Nguyễn Xuân Hồng Ngọc theo học Master of Analytics tại ĐH Công nghệ Auckland. Cô là một trong 28 sinh viên Việt Nam nhận được học bổng của chính phủ New Zealand Asean Scholars Awards năm 2018.
Hồng Ngọc từng Tốt nghiệp thủ khoa ĐH Ngân Hàng TP.HCM năm 2013 với GPA 8.8. Cô cũng từng đạt được giấy khen của Thống Đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2013 và học bổng đặc biệt của Thống Đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2011.
Nguyễn Xuân Hồng Ngọc chia sẻ về quá trình “săn” học bổng của mình. Cô chia sẻ: Mặc dù tìm kiếm cơ hội học bổng từ càng nhiều quốc gia thì cơ hội đạt được học bổng càng cao nhưng chiến lược của mình là tập trung cho một học bổng.
Ngay từ đầu mình đã “nhăm nhe” học bổng NZAS vì New Zealand không những là quốc gia có chất lượng giáo dục hàng đầu mà nơi đây còn để lại cho mình rất nhiều cảm xúc, mình còn nhớ khi dự những hội thảo du học của họ, các món quà nho nhỏ rất mộc mạc từ các buổi hội thảo ấyđã mang đến cho mình cảm giác thân thuộc, gần gũi và quý mến với xứ sở của loài chim Kiwi đáng yêu này.
Hồng Ngọc cũng cho biết thêm, cần có sự chuẩn bị và đầu tư ngay từ đầu thì cơ hội nhận được học bổng sẽ cao hơn. Chính vì vậy, sau khi ra trường, cô đã đi làm tích lũy kinh nghiệm sau đó mới đăng ký học bổng. Theo cô gái trẻ, kinh nghiệm làm việc full-time hay part-time đều được chấp nhận miễn là nó liên quan đến khóa học và định hướng phát triển trong tương lai của bạn.
Nguyễn Xuân Hồng Ngọc chia sẻ “bí quyết” để săn học bổng thành công:
Tôn trọng tính trung thực
Theo Hồng Ngọc, trường hợp ở vòng hồ sơ bạn kể những câu chuyện không đúng với trải nghiệm của chính bạn thì khi bước vào vòng phỏng vấn, dưới sự nhạy bén của các giám khảo, bạn sẽ dễ dàng bị phát hiện.
Như vậy, để nắm chắc cơ hội trong tầm tay, bạn tuyệt đối chỉ nên kể những câu chuyện bạn đã từng trải qua và nó phải có tính mạch lạc, thống nhất. Chính vì vậy, cần tôn trọng tính trung thực.
Chọn chi tiết đắt giá nhất
Khó khăn mình gặp phải khi viết hồ sơ đó là mình có quá nhiều điều để kể, vậy thì phải làm sao? Mình rút ra được là bạn nên chọn những chi tiết đắt giá, có sự liên quan chặt chẽ đến câu hỏi trong hồ sơ.
Câu chuyện phải làm rõ được bạn đã làm được điều gì trong quá khứ, bạn gặp khó khăn gì và giảiquyết nó như thế nào. Tại sao bạn muốn đi học và điều bạn học được sẽ giúp ích được gì cho sự phát triển của cộng đồng và xa hơn là của đất nước bạn.
Sự chuẩn bị không bao giờ là thừa
Hồng Ngọc chia sẻ về quá trình giành học bổng của bản thân: Trước ngày phỏng vấn, mình dành thời gian đọc lại hồ sơ đã viết, các ý nào đã đào sâu mình không nhắc lại nữa và chỉ đề cập đến những ý mới. Mình viết ra giấy câu trả lời, rồi tập trả lời với bạn của mình và thu âm lại bằng điện thoại.
Buổi tối trước khi đi ngủ, mình cắm tai nghe để nghe lại nhiều lần đoạn ghi âm đó. Cách này nghe có vẻ hơi “lạ” nhưng thật sự nó đã giúp mình sắp xếp lại các ý một cách hợp lý, bớt rườm rà hơn, ước lượng được thời gian trả lời và chỉnh cả ngữ điệu, phát âm. Tất cả điều này đã giúp mình làm chủ được bản thân và có một buổi phỏng vấn rất thành công.
Mở rộng networking
Hồng Ngọc cho rằng dù kết quả có như thế nào đi nữa thì cũng không nên thất vọng. Nhiều bạn trượt học bổng không hẳn vì không giỏi, mà vì mục tiêu của bạn chưa phù hợp với tiêu chí học bổng.
Và để hiểu được các tiêu chí này, ngoài đọc kỹ thông tin trên website học bổng là điều đầu tiên phải làm, một nguồn thông tin vô cùng bổ ích khác là từ những người đã từng apply học bổng thành công và chúng ta cần mở rộng networking.
“Điều cuối cùng mình muốn nói là để giành được học bổng, mỗi người sẽ có một bí quyết riêng vì mỗi người là một tính cách, quá trình học tập, làm việc và định hướng khác nhau. Đối với mình, việc chuẩn bị một kế hoạch chu đáo và nỗ lực hết sức để thực hiện tới cùng là yếu tố quan trọng nhất. Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn thêm tự tin trên hành trình thực hiện ước mơ du học của mình” – Ngọc chia sẻ.