“Bí kíp” luyện thi đại học môn Vật lý

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, nếu thí sinh nắm vững kiến thức SGK và linh hoạt áp dụng có thể đạt 7 - 8 điểm trong kỳ thi ĐH. Bởi vậy, chú trọng kiến thức SGK là yêu cầu đầu tiên khi ôn tập môn Vật lý

 “Bí kíp” luyện thi đại học môn Vật lý

Phương pháp ôn tập

1. Tiêu chí ra đề thi của Bộ Giáo dục & Đào tạo không nằm ngoài các kiến thức căn bản trong sách giáo khoa. Thực tế cho thấy, qua nhiều năm, nếu thí sinh nắm vững kiến thức sách giáo khoa và linh hoạt áp dụng có thể đạt 7 – 8 điểm trong kỳ thi đại học.

Bởi vậy, chú trọng kiến thức sách giáo khoa là yêu cầu đầu tiên khi ôn tập môn Vật lý. Nên đọc kỹ sách giáo khoa ít nhất hai lần, một trong quá trình học và một trong lần tổng ôn luyện trước khi đi thi vì các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết cho trong đề thường bám sát sách giáo khoa.

2. Trong đề thi môn Vậy lý chủ yếu là chương trình lớp 12, các em cần ôn tập kỹ. Tuy vậy, nhiều bài tập đề thi ra lại nằm trong chương trình lớp 10, 11. Để có thể đạt điểm cao, thí sinh nên ôn tập những bài trọng điểm trong chương trình lớp 10, 11.

3. Thi dưới hình thức trắc nghiệm nên nội dung bao quát, không nằm nhất định ở bất cứ chương nào, để ôn tập tổng quát là điều khiến nhiều sĩ tử “chảy nước mắt”. Bởi vậy, khi ôn tập các em cần chú ý hiểu bản chất vấn đề để xoay xở trong mọi tình huống, không học bài hiểu theo kiểu máy móc mà phải hiểu bản chất vấn đề thì mới không bị lúng túng.

4. Vì là môn thi trắc nghiệm nên thời gian làm bài thi ngắn, do đó các thí sinh phải rèn luyện cho mình khả năng tính toán, bấm máy tính và tính nhẩm nhanh. Muốn vậy, các em cần thường xuyên luyện giải bài tập từ căn bản đến nâng cao.

5. Làm bài thi trắc nghiệm là một kỹ năng. Các em cần phải rèn luyện kỹ năng này bằng cách giải nhiều đề thi trắc nghiệm. Từ đó giúp các em nắm rõ được kiểu ra đề như thế nào, trọng tâm nên học ở đâu hay đơn giản là biết được mình thiếu sót gì để bổ sung kiến thức kịp thời.

Lưu ý khi làm bài thi

- “Chiếu tướng” nhanh câu dễ, câu khó: Trước khi làm bài, bạn cần nhận diện thật nhanh câu dễ, câu khó. Ưu tiên làm trước câu dễ và câu khó sẽ giải quyết sau.

- Đọc thật kỹ câu hỏi: Để làm bài thi trắc nghiệm, đòi hỏi bạn phải nhanh – gọn, nhưng không có nghĩa là khi đọc đề chỉ cần lướt qua một cách cẩu thả. Muốn vậy, các em hãy đánh dấu vào các “từ khóa” trong câu hỏi và câu trả lời.

- Tránh tỉ mẩn khi giải bài tập: Đề thi trắc nghiệm không đòi hỏi ở các em cách làm như thế nào mà chỉ cần biết kết quả cuối cùng mà thí sinh tô vào ô đáp án ra sao. Bởi vậy, nếu có thể các em hãy nhẩm trong đầu hoặc tốc kí ra nháp sao cho thật nhanh, ngắn gọn và chính xác.

- Kỹ năng phỏng đoán, loại trừ: trong trường hợp các em không thật chắc chắn về một câu hỏi nào đó, hãy áp dụng phương pháp này. Phỏng đoán, loại trừ không có nghĩa là đoán bừa mà phải dựa vào các dữ kiện mà câu hỏi đã cho.

- Thà tô nhầm còn hơn bỏ sót:  Khi “lực bất tòng tâm”, các em không thể chọn đáp án chính xác cho những câu còn lại trong khi thời gian còn rất ít thì đừng nên do dự: “thà tô nhầm còn hơn bỏ sót.” Tuyệt đối, đừng bỏ trống bất cứ câu nào, hãy trả lời tất cả câu hỏi. Mỗi câu đều có điểm, cho nên bỏ câu nào là mất điểm câu đó. 1% may mắn vẫn thêm cho các em cơ hội vào đại học.

Theo VTV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ