(GD&TĐ) - Hôm ấy, có dịp đi qua làng Lạng, thấy mấy bông dây leo tím mọc ven đường đẹp quá, mình dừng lại chụp ảnh rồi ụp lên Facebook cái chơi, đứa em gái ở xa liền hỏi, có việc gì mà đi qua làng Lạng thế, không sợ bị đám đông đánh đuổi nữa à? Mình cười đùa trả lời, thì suốt đời chị bị đám đông đánh đuổi rồi, đã quen nên còn sợ cái nỗi chi!
Chuyện là thế này, hồi nhỏ mình là đứa trẻ hay bịa chuyện. Cứ đi đâu ngồi đâu, mình thường kéo theo cả lũ trẻ bu quanh, nghe mình kể chuyện, toàn những chuyện không có thật, nhưng được cái khéo tưởng tượng, cho nên bọn trẻ con thích lắm, cứ vòi mình kể cho chúng nghe. Đến khi chuyển cấp, lên cấp II, bọn trẻ đã lớn hơn, bắt đầu hết vô tư và hình thành nên những định kiến dù còn non nớt.
Khi mình vừa kịp lôi kéo một đám đông bu quanh mình há mồm nghe kể chuyện, thì có một đám đông khác nhìn mình bằng ánh mắt nguy hiểm. Kết quả là, ngay sau giờ học đó mình bị một đám đông đánh đuổi. Trong suốt quá trình học cấp II, mình khổ sở, không chơi được với ai vì bị đám đông đánh đuổi liên tục mỗi khi thầy cô vừa rời bục giảng, không có ai dám bênh vực mình. Tụi đầu gấu nêu ngay lý do: ai cho mày kẻ chuyện thu hút chúng nó theo mày, ai bảo mày cắt tóc khoanh bí nhìn ghét ghét là trong khi cả lũ con gái để tóc dài, ai cho mày đi dép đi học trong khi chúng ông đi chân đất, ai cho mày mặc áo khoác dày ba lớp hàng xịn của Nga trong khi chúng ông chỉ có áo bông rách? vân vân...
Thời đi học thì thế, đến khi đi làm, mình cũng không thoát bị đám đông đánh đuổi. Mới đi làm, mình nghĩ phải cố gắng làm tốt mọi công việc được giao, để có đóng góp tích cực cho cơ quan, lúc ấy mới mong được đánh giá tốt, được lương cao, được vị trí tốt. Mình chỉ chúi mũi vào làm việc, mà làm tốt thì sếp lại giao thêm việc, nên cứ đầu tắt mặt tối, không có thì giờ buôn chuyện với những người khác, không có thời gian chào hỏi rồi đẩy đưa câu chuyện với những người không cùng bộ phận chuyên môn. Kết quả là, công việc chuyên môn thì ´´hoàn thành tương đối, nhưng không ai nhận xét tốt cho mình cả, trái lại họ dè bỉu, cái con đấy mới về cơ quan, cậy mình có chút ngoại ngữ, làm việc với chuyên gia nên mặt vênh vác lên, không thèm chào hỏi ai cả. Rõ đáng ghét!
Mình phải bôn ba nhiều nơi làm việc, cũng chỉ vì ở các nơi ấy, mình luôn là kẻ khác biệt, nêu ý kiến khác, và cuối cùng bị đám đông đánh đuổi, mình tạm gọi là dính hội chứng 4Đ. Để là người dính hội chứng 4Đ, có gì đâu, trong lớp học, bạn thấy cô giáo dẫn chứng sai, bạn chỉ việc giơ tay, thưa cô cô nói chưa đúng, hoặc khi đi làm, bạn không chịu nổi việc trong giờ làm việc mà ngồi với người này nói xấu người kia, bạn không chịu đi cùng cả ban ăn uống rồi hát karaoke vô bổ nhân dịp vợ một ai đó sinh con trai. Bạn dám nói thẳng vào mặt trưởng ban là tôi thấy kế hoạch của anh quá cũ và thiếu hiệu quả, thay vì gật đầu lia lịa khen lấy khen để sao kế hoạch hợp lý thế. Bạn dám đứng lên bỏ ngang một cuộc họp lê thê và chẳng đưa ra được một giải pháp nào hợp lý cho tình thế khó khăn. Bạn dám nêu ý kiến khác với cả đám đông trong việc thay đổi giờ giấc làm việc, hay phương pháp làm việc. Bạn dám từ chối một việc khi bạn thấy rõ là nó lãng phí và vô bổ. Lập tức, bạn sẽ gặp 4Đ.
Thật may cho bạn nếu bạn không bị dính hội chứng 4Đ. Nhưng thật không may cho xã hội loài người, nếu không ai dám dính hội chứng 4Đ, bởi xã hội sẽ không tìm ra nổi những thủ lĩnh dẫn đường cho nó để nó tiếp tục phát triển. Bởi đám đông có xu hướng phủ nhận những gì khác lạ, càng phủ nhận dữ những gì là điên rồ. Nhưng chính trong những cái điên rồ, có thể chứa trong nó những sáng tạo ghê gớm, những phát hiện bùng nổ, những tầm nhìn xa cho sự phát triển của 30 hay 50 năm sau...
Cừu Thị Đan Len