Bị chê ngày càng nhạt, có nên tiếp tục làm Táo quân?

Có nên tiếp tục thực hiện Táo quân khi sức ép từ nhiều phía khiến chương trình mất đi tính ‘chiến đấu’ cần có, bế tắc kịch bản và bắt đầu tràn lan quảng cáo?

Bị chê ngày càng nhạt, có nên tiếp tục làm Táo quân?

Đây không phải lần đầu tiên câu hỏi này được đặt ra, khi trước đó, đã nhiều ý kiến cho rằng Táo quân bắt đầu đuối sức sau một hành trình dài mang tiếng cười phản biện xã hội đến với khán giả vào mỗi dịp 30 Tết.

Và liệu có nên tiếp tục sản xuất một chương trình ngày càng trượt khỏi đỉnh cao thành công, đặc biệt sau khi Táo quân 2015 lên sóng.

Táo quân 2015: Không hấp dẫn như kỳ vọng 

Tổng kết toàn diện các lĩnh vực kinh tế , chính trị , xã hội dưới hạ giới một năm thông qua bản báo cáo bằng hình thức tham dự cuộc thi Ai là trợ lý của các Táo Kim, Mộc, Thổ, Thủy, Hỏa là điểm mới của chương trình năm nay.

Nhưng trái với sự kỳ vọng về một chương trình mới mẻ, dám thẳng thắn nhìn nhận, đánh đúng, đánh trúng, không né tránh những tồn tại của nhiều Bộ, ngành trong năm vừa qua, Táo quân 2015 bị đánh giá là cưỡi ngựa xem hoa tất cả các vấn đề nóng ồn ào dư luận, chỉ đi vào một vài tiểu tiết nhỏ không đáng chú ý. Chương trình bị cắt xén mạnh tay, thiếu sót nhiều vấn đề bất cập.

Kịch bản nhẹ nhàng, không ‘động chạm’ khiến Táo quân 2015 mất đi bản sắc vốn có. Khán giả ít nhiều thấy chương trình kém hấp dẫn khi kênh phản biện xã hội hài hước, thâm thúy được mong đợi đã chịu tác động của nhiều yếu tố mà bớt đi tính ‘chiến đấu’ cần có.

Cộng với nhiều nguyên nhân như thiếu vắng những ca khúc nhạc chế đả kích những vấn nạn nhức nhối, quảng cáo tràn lan hay dàn diễn viên quá quen thuộc…khiến Táo quân 2015 không hấp dẫn như kỳ vọng.

Bế tắc kịch bản 

Từ khi ra đời, chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo quân đã luôn cố gắng đổi mới qua từng năm để không đưa chương trình vào lối mòn nhàm chán.

Bằng nhiều hình thức, mỗi chương trình Táo quân là một dấu ấn rõ nét để lại trong lòng khán giả. Và chỉ vài năm sau khi ra đời, Táo quân được ghi nhận là một trong những chương trình hài kịch hấp dẫn nhất và được mong chờ nhất.

Nhưng để giữ được tiếng cười tươi mới, sâu sắc, hấp dẫn suốt một quãng đường dài hơn 10 năm là điều không dễ dàng. Còn nhớ, đạo diễn và ê kíp sản xuất đã không ngừng nỗ lực tạo ra sự mới mẻ cho chương trình Táo quân.

Từ hình thức lên chầu bằng cá chép đến sự đổi mới bằng việc đu dây của Táo Y tế để đả kích những tồn tại trong ngành y, rồi sau đó lại quay lại cách truyền thống là cưỡi cá chép lên Thiên đình, cho tới cuộc thi Hoa Táo đình đám năm 2008 hay những ca khúc nhạc chế ""bất hủ"" cũng trong năm đó.

Từ sáng tạo ra nhân vật Gia Cát Dự ấn tượng năm 2010 đến tình tiết Ngọc Hoàng thật – Ngọc Hoàng giả…, mỗi năm, Táo quân là một sự đổi mới không ngừng gửi đến khán giả.

Nhưng sau hơn 10 năm, dường như sự sáng tạo bắt đầu vơi cạn. Nhất là, khi sự sáng tạo bị đặt trong ‘khuôn khổ’, thì Táo quân càng gần giống như tất cả những chương trình hài kịch thông thường khác. 

Không dễ để có một kịch bản hay, lôi cuốn từ đầu đến cuối, mới mẻ, cười được, mà vẫn thấy nhức nhối những gì còn chưa làm được, làm sai hay mắc ""nợ"" người dân những lời hứa cần được thực hiện.
Càng không dễ để kịch bản vừa đủ sức nặng phản biện xã hội, vừa làm hài lòng những người đứng đầu các lĩnh vực bị ""sờ gáy"".

Nhiều lần, người viết tự ví von, Táo quân – được kỳ vọng giống như một chú Ruồi trâu của xã hội hiện đại – đốt vào chân ngựa bắt ngựa phải lồng lên và tiến về phía trước - dùng sự châm biếm nã đạn vào những thành quách kiên cố với rất nhiều rào cản, để nói thẳng, nói thật, nói trực diện vào những vấn đề khiến dư luận bức xúc trong một năm nhiều biến cố, để có những hoạch định, sự thay đổi, cải cách và cả những ước vọng trước thềm năm mới.

Táo quân – liệu có dũng cảm đi theo sứ mệnh cao cả ấy, hay chấp nhận dừng chân khi chịu quá nhiều sức ép, bước qua thời kỳ đỉnh cao thành công, trở thành một ký ức đẹp trong lòng khán giả?

Theo vtc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ