Cuộc hôn nhân tan vỡ
Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 14/7/1965, Alice Crimmins nhận thấy hai đứa con của mình không có trên giường. Người phụ nữ 26 tuổi điên cuồng gọi điện cho chồng. Cha của bọn trẻ đang sống ở nơi khác kể từ khi cuộc hôn nhân của họ đổ vỡ. Anh ta rất tức giận trước sự bỏ bê con của vợ cũ và báo cáo rằng, hai đứa trẻ đã mất tích.
Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy dấu vết nào của Eddie Crimmins Jr (5 tuổi) và Alice “Missy” Marie Crimmins (4 tuổi) gần nhà ở Queens, New York. Cảnh sát sớm cho rằng, mẹ của hai đứa trẻ - Alice chính là nghi phạm.
Mặc dù có ít bằng chứng, nhưng các nhà điều tra đã khẳng định, Alice Crimmins là thủ phạm. Trong vòng vài giờ sau khi cảnh sát đưa Crimmins đi điều tra, thi thể bị bóp cổ của con gái cô đã được tìm thấy ở một khu đất gần đó.
Nhiều tuần sau, thi thể đã phân hủy của Eddie Jr được tìm thấy dọc đường cao tốc Van Wyck. Điều ngạc nhiên là, thi thể phân hủy đến mức các nhà chức trách không thể tìm thấy nguyên nhân rõ ràng nào về cái chết của cậu bé.
Sau đó, cảnh sát ngày càng tuyệt vọng hơn khi bắt giữ Alice Crimmins và dành nhiều năm để điều tra. Cuối cùng, Alice bị kết tội giết con ruột của mình, mặc dù người phụ nữ này khẳng định, sát nhân thực sự là kẻ khác.
Sinh ngày 9/3/1939, tại Bronx (Mỹ), Alice Crimmins được nuôi dưỡng bởi cha mẹ Công giáo người Ireland. Alice đã trải qua những ngày niên thiếu tại tu viện Saint Raymond. Song, thiếu nữ này luôn mơ về một cuộc sống tự do. Năm 19 tuổi, Alice quyết định rằng, kết hôn là cách duy nhất để đạt được điều đó.
Năm 1959, Alice kết hôn với người yêu thời trung học - Edmund Crimmins và sinh con trai, Eddie Jr. Một năm sau, bé gái Alice Marie chào đời. Cùng thời điểm đó, gia đình Crimmins chuyển đến căn hộ Regal Gardens ở Kew Gardens, New York.
Crimmins sớm nhận ra mình bị mắc kẹt ở nhà trong khi chồng thường xuyên qua đêm ở ngoài. Sau đó, Alice Crimmins đã nhận công việc bồi bàn ở một quán rượu. Song, thời điểm đó, đây là một động thái cấm kỵ đối với một phụ nữ Mỹ đã có gia đình. Thậm chí, người phụ nữ này bất chấp lý tưởng về gia đình, khi hẹn hò với khách hàng.
Khi con trai nói rằng, mẹ thường xuyên mời “những người anh em” đi dạo qua đêm, Edmund Crimmins đã vô cùng tức giận. Tuy nhiên, cơn phẫn nộ trở nên đỉnh điểm khi Alice không trở về nhà sau một đêm tiệc tùng với bạn trai - triệu phú Anthony Grace.
Sau đó, vào ngày 22/6/1965, Edmund Crimmins đệ đơn xin nuôi con. Mẹ của Alice Crimmins đã đứng về phía con rể, gọi Edmund là “một người đàn ông tốt”, người sẽ “chăm sóc tốt những đứa trẻ”.
Kết luận vội vàng?
Khi phát hiện các con mất tích vào sáng ngày 14/7, cuộc gọi đầu tiên của Alice Crimmins là cho chồng cũ. Tuy nhiên, Edmund cho biết không hề gặp các con. Chiều cùng ngày, thám tử Gerald Piering nhận được cuộc gọi của gia đình Crimmins về việc những đứa trẻ mất tích. Tuy nhiên, điều khiến thám tử này ngạc nhiên là Alice Crimmins xuất hiện trong chiếc quần bó và đôi giày cao gót.
Piering tiến hành tra hỏi Edmund và Alice Crimmins, nhưng không chụp ảnh hiện trường. Thám tử này cũng không kiểm tra và lấy dấu vân tay ở phòng ngủ hai đứa trẻ.
Crimmins nói với cảnh sát rằng đã cho các con ăn lúc 7 giờ 30 tối hôm trước. Sáng hôm sau, khi thức dậy, Alice phát hiện lũ trẻ đã biến mất. Song, vào thời điểm Piering phát hiện ra chai rượu rỗng, thuốc tránh thai và áo khoác trong phòng ngủ của Alice, ông xác định, người phụ nữ này là nghi phạm chính.
Vài giờ sau, một đồng nghiệp thông báo với Piering rằng đã phát hiện thi thể Missy. Nam thám tử này nhanh chóng đưa Alice Crimmins đến đó. Mặc dù Alice Crimmins ngất khi chứng kiến thi thể con, nhưng Piering tuyên bố rằng, người phụ nữ này “không bị lay chuyển” trước cảnh tượng kinh hoàng.
Khi được phát hiện vài tuần sau, thi thể của Eddie Jr. đã phân hủy đến mức người giám định y khoa thậm chí không thể xác định được cậu bé tử vong như thế nào. Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Alice Crimmins đã giết hai con, nhưng các công tố viên cố gắng hết sức để chứng minh rằng người phụ nữ này có tội.
Trong hai năm, nhà chức trách đã loại bỏ các nghi phạm, bao gồm cả những tên trộm tại địa phương và Eddie Crimmins Sr. - người thừa nhận đã ám ảnh việc theo dõi vợ cũ trước khi thảm kịch xảy ra. Chứng cứ ngoại phạm của Edmund cũng nhiều lần thay đổi trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, các nhà chức trách đã nghe lén điện thoại của Alice Crimmins, theo dõi người phụ nữ này khắp nơi và biến mọi sự thất vọng và đau buồn của cô trở thành bằng chứng tội lỗi.
“Họ muốn tôi suy sụp. Họ muốn tôi đau buồn - không phải vì con tôi, mà vì họ - cảnh sát. Tôi sẽ không mang lại cho họ sự hài lòng. Chúng là những đứa trẻ của tôi. Không ai ra ngoài tìm xem kẻ nào đã giết con tôi. Họ quan tâm đến việc làm cho tôi tan nát”, Alice Crimmins từng nói vào năm 1971.
Tháng 11/1966, văn phòng công tố đã tìm ra chứng cứ để kết tội Alice Crimmins. Đó là lời kể của nhân chứng - một người hàng xóm bị tổn thương não tên Sophie Earomirski.
Phiên tòa xét xử Alice Crimmins diễn ra vào ngày 9/5/1968. Phần lớn mọi chứng cứ đều chống lại người phụ nữ này. Sau đó, Tiến sĩ Milton Helpern - nhà nghiên cứu pháp y đã làm chứng rằng, Missy bị bóp cổ đến chết. Ngoài ra, thức ăn trong cơ thể Missy không thể được ăn quá hai giờ trước khi cô bé tử vong.
Điều này mâu thuẫn với tuyên bố ban đầu của Crimmins rằng, lần cuối cô cho các con ăn là lúc 7 giờ 30 phút tối. Tuy nhiên, một người hàng xóm nói với nhà chức trách rằng đã nghe thấy tiếng Crimmins bế con mình lên giường lúc 9 giờ tối.
Sau đó, một trong những người bạn trai của Crimmins đã khai rằng, chỉ vài ngày trước khi Missy bị giết, Alice nói với anh ta rằng, “thà nhìn những đứa trẻ chết” trước khi để chồng mình có quyền nuôi chúng. Người này thậm chí cho biết, Alice Crimmins thừa nhận đã giết con gái mình.
Bằng chứng đáng giá nhất được cho là lời kể của nhân chứng Earomirski. Người này tuyên bố đã nhìn thấy một phụ nữ có chiều cao giống Crimmins đi về phía đường liên bang lúc 2 giờ sáng 14/7/1965. Người phụ nữ được nhìn thấy ôm một bọc chăn, đi cùng một đứa trẻ và một người đàn ông.
Song, Alice Crimmins đã phủ nhận mọi cáo buộc. Thật không may, không ai đề cập đến việc Earomirski là một nhân chứng không đáng tin cậy. Bởi, Earomirski đã thay đổi câu chuyện với các công tố viên nhiều lần trước khi đưa ra lập trường.
Câu hỏi bỏ ngỏ
Crimmins sau đó bị kết tội bởi bồi thẩm đoàn vào ngày 27/5/1968. Tháng 12 năm sau, bản án từ 5 - 20 năm tù của Alice được lật lại khi hành vi sai trái liên quan đến phiên tòa được đưa ra ánh sáng. Sáu tháng sau đó, Crimmins lại bị truy tố vì tội giết người và ngộ sát con trai mình.
Một người hàng xóm thứ hai đã đến để chứng thực những tuyên bố của Earomirski. Thật kỳ diệu, một người đàn ông tên là Marvin Weinstein đã đến để làm chứng rằng, chính vợ chồng anh và con chó của họ đã bị nhầm với Crimmins vào đêm hôm đó.
Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn vẫn kết luận, Alice Crimmins phạm tội. Thẩm phán George Balbach kết án Alice Crimmins tù chung thân vì tội giết người, cùng 5 - 20 năm tù vì ngộ sát vào tháng 5/1971.
Nhưng, câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Năm 1973, Tòa án tối cao New York đã ra phán quyết, bản án này phải được lật lại vì nguyên nhân cái chết của Eddie Jr. chưa bao giờ được xác nhận là một hành vi phạm tội. Hơn nữa, tòa án nhận thấy lời khai của bạn trai Alice Crimmins là “hoàn toàn mang tính định kiến”.
Vào khoảng thời gian này, một trong những luật sư truy tố đã báo cáo, ngay cả anh ta cũng không chắc chắn về tội của Crimmins. Tuy nhiên, vào năm 1975, Tòa phúc thẩm bang New York đã phục hồi bản án ngộ sát của Alice.
Người phụ nữ này đã dành tổng cộng 30 tháng sau song sắt trong Cơ sở Cải huấn Harlem’s Parkside từ năm 1971 khi bị kết án lần đầu tiên. Năm 1977, Alice Crimmins được ân xá.
Cuộc đời của Alice Crimmins đã truyền cảm hứng cho vô số tiểu thuyết, phim tài liệu và điện ảnh. Câu chuyện của bà đã trở thành cơ sở cho cuốn tiểu thuyết bí ẩn bán chạy nhất năm 1975 của Mary Higgins Clark mang tên “Những đứa trẻ ở đâu?”.
Ở đời thực, tội lỗi của Alice Crimmins chưa bao giờ được chứng minh một cách thuyết phục bằng những chứng cứ xác thực. Ngay cả ngày nay, sự thật đằng sau những cái chết của hai đứa trẻ vẫn là một dấu hỏi lớn.