Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh được cho là "gây sốc" khi cho thấy người Neanderthals không phải một loài người cổ xưa man rợ, sống bầy đàn rồi bỏ xác khắp nơi. Từ 70.000 năm về trước, họ đã có những phong tục tang lễ hết sức đặc biệt
Theo giáo sư Graeme Barker từ Viện Khảo cổ học McDonald ở Cambridge (Anh), cuộc khai quật mới tại hang Shanidar ở Iraqi Kurdistan cho thấy những hài cốt ở đây được chôn vùi có chủ ý.
Tuy nhiên lần này các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng quyết định: ngoài việc được đặt ngay ngắn vào trong một tầng hang riêng biệt, còn có dấu vết rõ ràng của sự đào huyệt, giúp người chết được đặt nằm sâu hơn.
Vì vậy, có thể nói đó không chỉ là một cái hang có xương người mà là một nghĩa trang của loài người tuyệt chủng Neanderthals.
Hang Shanidar - Ảnh: James Gordon.
"Trong những năm gần đây, chúng ta đã tìm ra ngày càng nhiều bằng chứng rằng người Neanderthal tinh vi hơn so với hiểu biết trước đây. Nếu họ đã sử dụng hang Shanidar làm nơi tưởng niệm và chôn cất người chết, thì điều đó sẽ là bằng chứng cho một nền văn hóa phức tạp" – giáo sư Pomeroy tuyên bố.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Antiquity.
Người Neanderthals được cho là xuất hiện khoảng 800.000 năm về trước, tức sớm hơn người tinh khôn Homo sapiens chúng ta (còn gọi là người hiện đại) khoảng 500.000 năm. Họ được cho là loài người cổ giống với chúng ta nhất, có thể hình tốt, là những thợ săn dũng mãnh.
Người Neanderthals từng gặp gỡ người tinh khôn và có những cuộc hôn phối dị chủng, để lại dấu vết sinh học trong DNA của nhiều người châu Âu hiện đại. Họ tuyệt chủng khoảng 30.000-50.000 năm về trước.