Bệnh tim mạch tấn công giới trẻ

GD&TĐ - Trước kia, bệnh tim mạch thường xuất hiện ở người trung tuổi, phổ biến ở người cao tuổi thì nay tấn công cả giới trẻ. Có khoảng 1/4 dân số nước ta có nguy cơ mắc bệnh trên do những nguyên nhân khách quan và chủ quan.  

Bệnh tim mạch tấn công giới trẻ

4 người trên 25 tuổi có 1 người mắc bệnh

Mỗi năm, bệnh lý tim mạch cướp đi mạng sống của khoảng 17,5 triệu người trên toàn thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, từng gia đình và toàn xã hội. Đây là lý do Liên đoàn Tim mạch thế giới chọn ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 9 là Ngày Tim mạch thế giới để nhắc nhở mọi người hãy quan tâm đến sức khỏe con tim của mình.

Năm 2016 là năm thứ 17 Liên đoàn Tim mạch thế giới tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày lễ này. Năm nay, hoạt động trên diễn ra ở 100 nước thành viên, trong đó có Việt Nam với những hoạt động đặc trưng.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 520.000 ca tử vong do nguyên nhân bệnh tật, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%. Như vậy, tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 người chết bởi bệnh không lây nhiễm. Trong số những bệnh không lây nhiễm, cùng với ung thư, đái tháo đường thì tim mạch được coi là một trong số bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, với tỷ lệ tử vong cao nhất (40%).

Điều tra mới đây của Viện Tim mạch quốc gia, căn bệnh này không còn là đặc quyền của người trung - cao tuổi mà hiện lan ra cả cộng đồng. Ước tính cả nước có khoảng 1/4 dân số từ 25 tuổi trở lên có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nghĩa là cứ 4 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đáng lưu ý, bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch não… thì nay, bệnh tim mạch đã xuất hiện ở những người 30 - 40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi. Tại các bệnh viện, số bệnh nhân từ 20 - 40 tuổi đến khám và điều trị ngày một tăng, trong số này người bị đột quỵ khi tuổi còn trẻ cũng không hiếm.

Mặt trái của cuộc sống hiện đại

Trong các bệnh lý tim mạch thì tăng huyết áp là loại bệnh phổ biến nhất và tỷ lệ mắc bệnh này cũng ngày càng gia tăng. Tăng huyết áp đồng nghĩa với việc tăng các biến chứng tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sức lao động của người dân trong cộng đồng một cách rất rõ rệt.

Tại Viện Tim mạch quốc gia, hàng ngày, các thầy thuốc phải đối mặt với bệnh lý nhồi máu cơ tim, một biến chứng nguy hiểm thường gặp của tăng huyết áp, độ tuổi bị nhồi máu cơ tim cũng có khuynh hướng trẻ hóa, thậm chí có những thanh niên 28, 30 tuổi đã mắc căn bệnh nguy hiểm này. Bên cạnh đó, biến chứng phình tách thành động mạch chủ do tăng huyết áp cũng ngày càng được phát hiện nhiều. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong có thể tăng tới 50% trong 24 giờ đầu tiên nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời.

Rõ ràng, bệnh lý tim mạch và những biến chứng của nó đang hoành hành, gây tác hại không nhỏ đến sức khỏe mỗi người và cả cộng đồng. Với nguy cơ mắc bệnh trong dân cư hiện nay cho thấy việc đối mặt với căn bệnh này là cuộc chiến thực sự. Tuy nhiên, điều may mắn là cuộc chiến này cũng có lối thoát. Theo bác sĩ Đỗ Doãn Lợi (Viện Tim mạch), loại trừ yếu tố nguy cơ đồng nghĩa với việc giảm khả năng mắc bệnh.

Theo đó, thể dục thể thao, cụ thể là đi bộ mỗi ngày và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và đạm thực vật, đặc biệt là đạm đậu nành, giảm ăn muối… đều giúp trái tim có nhịp đập khỏe mạnh. Ngoài ra, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu, kiểm soát huyết áp định kỳ… cũng là cách bảo vệ sức khỏe tốt mà ít tốn kém.

Bệnh lý tim mạch đang phổ biến và ngày càng trẻ hóa một phần do lối sống công nghiệp khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ