Bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không?

GD&TĐ - Đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường như các cơ sở khám chữa bệnh đang quảng cáo.

Khi mắc đái tháo đường, cơ thể mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp. Ảnh minh họa.
Khi mắc đái tháo đường, cơ thể mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp. Ảnh minh họa.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, hiện nay có rất nhiều trang mạng sử dụng hình ảnh của cơ sở y tế này để bán các loại thuốc điều trị đái tháo đường với nội dung: Chữa khỏi hoàn toàn tiểu đường, không dùng thuốc Tây, không insulin.

Trước thực trạng này, chuyên gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương khẳng định, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường.

TS.BS Lê Quang Toàn - Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương - cho biết, bệnh tiểu đường, theo y học còn gọi là bệnh đái tháo đường. Đây là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến.

Khi mắc đái tháo đường, cơ thể mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp. Mắc đái tháo đường có nghĩa là bệnh nhân có lượng đường trong máu quá cao do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm mắt, thận, thần kinh và tim.

“Đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường như các cơ sở khám chữa bệnh đang quảng cáo”, TS.BS Lê Quang Toàn khẳng định.

Theo chuyên gia này, ở giai đoạn đầu bệnh còn nhẹ, sử dụng một số loại thuốc Đông y có thể giúp giảm đường huyết. Khi người bệnh đến khám ở các phòng mạch và cơ sở khám chữa bệnh, thấy đường huyết ở ngưỡng bình thường nên nghĩ rằng đã điều trị khỏi hẳn. Tuy nhiên, điều này không đúng.

Người bệnh có lượng đường trong máu bình thường là do sử dụng thuốc, không phải vì bệnh đã biến mất. Khi đó, họ cần tiếp tục sử dụng thuốc kết hợp với luyện tập và ăn uống hợp lý. Nếu không, glucose máu sẽ tăng trở lại.

TS Lê Quang Toàn phân tích, ở người bệnh đái tháo đường, các tế bào đảo tụy suy giảm chức năng dẫn đến giảm tiết insulin hoặc lượng hormone này không được sử dụng hiệu quả. Trong đó, insulin tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose, vận chuyển đường vào trong tế bào sinh năng lượng.

Kết quả của sự thiếu hụt insulin là lượng đường trong máu tăng cao. Chức năng tuyến tụy sẽ suy giảm theo thời gian. Đến một lúc nào đó, người bệnh tiểu đường dùng thuốc nhưng không thể đáp ứng mà phải tiêm insulin. Đây là bằng chứng cho thấy bệnh đái tháo đường không thể khỏi.

Để kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả, chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh sử dụng thuốc hạ đường huyết thường xuyên. Nếu đã được kê toa thuốc hạ đường huyết, nên dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng nếu cần.

Bên cạnh đó, người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn. Chế độ ăn nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột, bánh kẹo ngọt, nước uống có ga… Nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.