Bệnh san hô có nguy cơ trở nên phổ biến trong thế kỷ tới

GD&TĐ - Theo một nghiên cứu mới, bệnh san hô đang lan rộng khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên.

Qua thời gian, bệnh san hô tăng theo nhiệt độ đại dương.
Qua thời gian, bệnh san hô tăng theo nhiệt độ đại dương.

Tình trạng này có khả năng trở thành hiện tượng phổ biến ở các rạn san hô trên toàn thế giới vào thế kỷ tới.

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Ecology Letters, cho thấy mức độ ảnh hưởng của sức khỏe san hô đối với biến đổi khí hậu. Tình trạng này đe dọa xóa sổ toàn bộ môi trường sống của rạn san hô và tàn phá các cộng đồng ven biển.

Các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học New South Wales (Australia) đã phân tích 108 nghiên cứu về sức khỏe của các rạn san hô. Sau đó, họ liên kết các cuộc khảo sát về dịch bệnh với dữ liệu về nhiệt độ bề mặt nước biển.

Từ đó, nhằm hiểu biến đổi khí hậu - cụ thể là hiện tượng nóng lên của đại dương, đã ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh san hô trên toàn thế giới như thế nào. Nhóm cũng thực hiện mô hình hóa để dự báo dịch bệnh theo các kịch bản nóng lên trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, bệnh san hô tăng theo nhiệt độ đại dương qua thời gian. Tỷ lệ này tăng gấp ba lần trong 25 năm qua, lên 9,92% trên toàn cầu. Mô hình cũng dự đoán tỷ lệ mắc bệnh có thể tăng lên 76,8% vào năm 2100, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng trên cùng một quỹ đạo.

Bà Samantha Burke - tác giả chính của nghiên cứu và là Tiến sĩ tại Khoa Khoa học Sinh học, Trái đất & Môi trường - cho biết những phát hiện này nêu bật tác động tàn phá của nhiệt độ tăng đối với các rạn san hô. Đồng thời, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải hành động nhanh chóng để giảm thiểu biến đổi khí hậu.

“Bệnh san hô là nguyên nhân nghiêm trọng khiến san hô chết trên toàn cầu. Đồng thời, gây suy giảm rạn san hô. Mô hình của chúng tôi dự đoán, tình trạng sẽ tiếp tục tồi tệ hơn, ngay cả khi nhiệt độ đại dương ở mức ổn định”, bà Burke cho biết.

Nghiên cứu cũng cho thấy, dựa trên dữ liệu hiện tại, bệnh san hô có khả năng trở nên tồi tệ hơn ở Thái Bình Dương so với tại Đại Tây Dương hoặc Ấn Độ Dương. Các rạn san hô đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển.

Chúng hỗ trợ khoảng 1/4 số cá trên thế giới. Chúng cũng rất quan trọng đối với các cộng đồng ven biển dựa vào rạn san hô để đánh bắt cá và du lịch. Rạn san hô còn bảo vệ khỏi bão và xói mòn bờ biển.

Theo bà Burke, rạn san hô giúp xây dựng môi trường sống. Không có san hô, thì không có môi trường rạn san hô và sẽ không có ngành công nghiệp ven biển. Bệnh san hô xảy ra khi hệ thống miễn dịch của san hô tổn hại, thường là sau khi bị nhiễm mầm bệnh như vi khuẩn hoặc nấm.

Nó khác với hiện tượng tẩy trắng san hô. Đó là khi san hô chuyển sang màu trắng do bị căng thẳng bằng cách trục xuất tảo zooxanthellae sống bên trong mô chịu trách nhiệm tạo màu của chúng.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ