“Biệt đội” hồi sinh san hô

GD&TĐ - Bãi Nồm thuộc bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng có một nhóm cứu hộ âm thầm ngâm mình dưới nước, xếp từng cục đá để “hồi sinh” rạn san hô đáy biển.

“Biệt đội” hồi sinh san hô

Quy trình “chữa trị” và “hồi sinh” san hô

Một buổi sáng tháng 7, tôi liên hệ được với “biệt đội” cứu hộ động vật biển Sasa (Sasa Team Marine Rescue), nhóm do anh Lê Chiến (SN 1984, quê Hà Nội) làm trưởng nhóm. Chúng tôi có mặt tại Bãi Nồm của bán đảo Sơn Trà để theo chân các thành viên nơi đây đi “hồi sinh” những rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà.

Đúng 9 giờ, nhóm Sasa gồm 10 thành viên đang sinh sống tại TP Đà Nẵng đã có mặt đầy đủ cùng với trang thiết bị để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ của mình.

Anh Lê Chiến chia sẻ, mỗi tuần ít nhất 3 lần, nhóm cùng các bạn tình nguyện viên lại lặn biển Sơn Trà, đem hàng trăm cá thể san hô bị gãy đổ, bệnh tật lên bờ để “chữa trị”, sau đó đem để ngay lại vị trí ban đầu một cách an toàn.

Anh Chiến quay sang căn dặn những thành viên trong nhóm: “Nguyên tắc đầu tiên là giữ an toàn, không được lặn cách xa nhau và luôn chú ý những người bên cạnh mình. Bên dưới mặt biển là thế giới khác, rất nhiều nguy hiểm. Và chúng ta cũng nên nhớ không tùy tiện chạm vào san hô”.

Anh Lê Chiến – Trưởng nhóm Sasa đang đặt san hô vào vị trí đã định sẵn.
Anh Lê Chiến – Trưởng nhóm Sasa đang đặt san hô vào vị trí đã định sẵn. 

Anh Chiến cho biết, để tham gia vào công việc này, những thành viên “biệt đội” Sasa đều là người có thể lực tốt, giỏi bơi lặn và có nhiều hiểu biết về san hô và các loài sinh vật biển.

Qua tìm hiểu, anh Chiến chia sẻ, để “trồng” lại một cá thể san hô bị gãy đổ, cần đến 5 bước. Ban đầu là dọn dẹp rạn, loại bỏ mối nguy hại như nhựa và lưới. Tiếp đến là tìm kiếm và cứu hộ san hô bị gãy, tổn thương. Sau đó là cố định san hô vào giá thể, trả lại môi trường tự nhiên. Đội cũng chăm sóc, loại bỏ các yếu tố gây hại như tảo, ốc và sao biển ăn san hô. Sau cùng là cố định san hô sau khi dưỡng vào giá thể tự nhiên hoặc xây dựng giá thể nhân tạo.

Theo anh Chiến, san hô là động vật săn mồi nhưng dễ bị tổn thương, lại sinh trưởng rất chậm. Bán đảo Sơn Trà được đánh giá sở hữu 104,6 hecta rạn san hô gồm các loại: San hô sừng hươu, sừng nai, san hô sọ, san hô bàn, san hô hoa hồng…, đa dạng không kém Nha Trang hay Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Thành viên “biệt đội” Sasa chở các rạn san hô đem đến các vị trí đã được đánh dấu.
Thành viên “biệt đội” Sasa chở các rạn san hô đem đến các vị trí đã được đánh dấu.

Theo thống kê của Sasa sau gần 4 năm “trồng” san hô, ở điều kiện thuận lợi nhất, san hô sừng nai, sừng hươu phát triển được khoảng 15 cm/năm. Con số này thậm chí còn ít hơn với loại san hô sọ, san hô bàn (từ 5 – 8 cm/năm), hay san hô hoa hồng chỉ được khoảng 12cm chu vi/năm.

Phải mất đến gần 100 năm để kiến tạo một rạn san hô. Tuy nhiên, việc thả neo đậu của các tàu chở khách, Jetski (mô tôm nước) đã làm gãy rất nhiều san hô.

“Một mỏ neo có thể kéo hư khoảng 40 m2 san hô. Một ngày, một nhóm khách du lịch có thể dẫm nát 100 m2 san hô. Chưa kể lượng dầu nhớt, rác thải mà con người đem lại. Những san hô gãy nếu không được “cứu” thì sẽ chết. 100 năm kiến tạo của tự nhiên, phút chốc bị con người hủy hoại”, anh Chiến chia sẻ.

Những rạn san hô được đính trong đá và đem đi “hồi sinh”.
Những rạn san hô được đính trong đá và đem đi “hồi sinh”.

Sau một giờ đồng hồ ngâm mình dưới nước biển, chúng tôi thấy anh Chiến đem lên bờ 4 nhánh san hô sừng nai, dài khoảng 40 cm. Anh Chiến cho biết, đây là số san hô bị gãy đổ, vùi lấp dưới cát biển. Sau đó, nhóm quyết định tách 4 nhánh ra thành hơn 30 cá thể, gắn cố định vào 10 phiến đá san hô, để bắt đầu “hồi sinh” số san hô này.

Tỉ mỉ gắn san hô vào đá, anh Cao Đăng Huy (SN 1995, phụ trách phần cơ khí nhóm Sasa) nhẩm tính nếu hoàn tất, nhóm sẽ đạt chỉ tiêu ươm 50m2 san hô trong tháng này.

Một thành viên của Sasa cho biết, trung bình một tuần, nhóm đặt xuống biển được 20 giá thể gắn san hô, 200kg đá chèn chống cát xói mòn. Ngoài Bãi Nồm, còn có 3 điểm khác tại bán đảo Sơn Trà cũng được “hồi sinh” theo cách tương tự.

Tiềm ẩn nguy hiểm

Khoan đá để “ươm” san hô.
Khoan đá để “ươm” san hô. 

Theo quan sát của chúng tôi, có lẽ phải mất 3 - 4 giờ đồng hồ ngâm mình dưới nước, thì các thành viên của nhóm Sasa mới đặt hết 20 giá thể đính san hô xuống đúng vùng nước đã định sẵn.

Anh Cao Đăng Huy nhớ lại: “Có lần nhóm phát hiện một cái bẫy cua bằng kim loại, dài gần 20m nằm đè lên rạn san hô. Phải mất gần 2 giờ để đưa bẫy vào bờ. Trong lúc cố gắng, anh Chiến bị va vào đá, cắt rách chân”.

Không chỉ đối mặt với nguy hiểm ở dưới đáy biển, ở trên mặt nước, các thành viên Sasa cũng nhiều phen “hú vía” với mô tô nước, ca nô. Chia sẻ về “kỷ niệm” đáng nhớ này, Nguyễn Siêu Hạnh (trú TPHCM) cho biết: “Đang lặn, tôi bất ngờ nghe tiếng động cơ mỗi lúc một to dần. Ngẩng đầu lên đã thấy hai khách du lịch lao thẳng mô tô nước đến. May mắn, họ kịp bẻ lái, không thì đã có tai nạn xảy ra”.

Các thành viên “biệt đội” Sasa đang đính san hô vào đá.
Các thành viên “biệt đội” Sasa đang đính san hô vào đá.

Khó khăn, nguy hiểm rình rập, thế nhưng, “biệt đội” Sasa hầu như vẫn không muốn bỏ cuộc.

“Hồi sinh hay trồng được những rạn san hô sống thì nhóm rất vui. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cần các yếu tố khoa học, con người và tình yêu với động thực vật, có như thế thì sẽ làm được mọi thứ. Với chúng tôi, chỉ cần có niềm tin, trách nhiệm thì mọi việc cũng sẽ thành công”, anh Chiến khẳng định.

Ông Đặng Duy Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, đã đề nghị Sở Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân tổ chức du lịch ở vùng nước Bãi Nồm không tuân thủ các quy định.

Thông báo, trao đổi kịp thời với lực lượng Biên phòng, Thanh tra thủy sản các vụ việc vi phạm về bảo vệ nguồn lợi san hô.

Theo Sở NN&PTNT, từ 2008 đến nay, trên 165 vụ việc về các hành vi vi phạm đến nguồn lợi thủy sản, nguồn lợi san hô và hệ sinh thái tại các khu vực biển được phát hiện.
Từ năm 2016, Sở đã phối hợp với các địa phương vận động thành lập 2 tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại phường Thọ Quang và Mân Thái, hỗ trợ tổng cộng 403 triệu đồng cho 2 tổ để tổ chức tuần tra bảo vệ san hô, các hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản tại khu vực bán đảo Sơn Trà.

Theo Quyết định 541/QĐ-TTg ngày 20/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, biển bán đảo Sơn Trà nằm trong danh sách 11 khu vực có tiềm năng thành lập thành khu bảo tồn biển được điều tra khảo sát bổ sung.
Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ Quyết định 54/2007/QĐ-UBND ngày 13/9/2007 của UBND TP Đà Nẵng; đồng thời tham mưu UBND TP lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh hoặc khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo thẩm quyền quy định tại Luật Thủy sản và Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ