Bệnh nhi nguy kịch vì đắp thuốc thầy lang chữa rắn cắn

Sau khi nhờ thầy lang đắp thuốc vào vết rắn lục đuôi đỏ cắn ở chân, vết thương sưng to, hoại tử khiến bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Sau khi được thầy lang hút nọc, đắp thuốc bệnh nhi lâm vào tình trạng nguy kịch phải chuyển đến bệnh viện
Sau khi được thầy lang hút nọc, đắp thuốc bệnh nhi lâm vào tình trạng nguy kịch phải chuyển đến bệnh viện

Ngày 20/7, BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị nhiễm độc rất nặng do rắn cắn. Bệnh nhi là bé N.T.V. (9 tuổi, ngụ tại Tiền Giang).

Theo bệnh sử ghi nhận từ bác sĩ, cháu V. đang trèo cây hái quả trong vườn thì bất ngờ bị rắn núp trong tán lá lao ra cắn vào chân phải. Nghe tiếng kêu khóc thét của trẻ, người lớn chạy ra thì phát hiện con rắn đang tìm đường thoát thân nên tiến hành bao vây tiêu diệt.

Ngay sau đó, cháu bé được đưa đến thầy lang tại địa phương để chích hút nọc độc rồi đắp thuốc. Tuy nhiên, diễn tiến sức khỏe bệnh nhân ngày càng xấu, vết thương sưng to, chảy máu, xuất huyết da nhiều vùng trên cơ thể… bệnh nhi rơi vào tình trạng lơ mơ, da xanh tái. Lúc này người nhà mới chuyển bé đến thẳng bệnh viện Nhi Đồng 1.

Sau khi xác định loài rắn tấn công nạn nhân là rắn lục đuôi đỏ, bệnh viện tiến hành chăm sóc tích cực và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra. Kết quả ghi nhận bệnh nhi bị rối loạn đông máu nặng, có biểu hiện sưng bầm, hoại tử chi. Các bác sĩ tiến hành truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu lần thứ nhất, nhưng bệnh vẫn diễn tiến xấu, tình trạng sưng bầm lan lên đùi phải, rối loạn đông máu tiếp diễn, nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhi.

Trước tình hình trên, chỉ định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu lần 2 đã được tiến hành. Phải sau 1 tuần chăm sóc, điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi mới dần cải thiện. Hiện bé V. đã qua cơn nguy kịch, vết thương giảm sưng, hết chảy máu.

Để tránh những tai nạn tương tự có thể xảy đến với con trẻ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh (đặc biệt là các gia đình sống ở vùng quê) cần phát quang bụi rậm quanh nhà, để rắn lục không còn nơi trú ẩn; không cho trẻ trèo cây hoặc chơi ở những nơi nguy cơ có rắn sinh sống; giăng mùng khi ngủ để tránh bị côn trùng đốt nhưng cũng phòng được rắn tấn công.

Trong trường hợp bị rắn cắn cần nhanh chóng tìm kiếm, xác định loài rắn; cho nạn nhân nằm bất động, đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước hoặc dung dịch sát khuẩn da; phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng; nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời.

Để tránh những nguy hiểm do sơ cứu không đúng cách, BS Minh Tiến khuyến cáo: Nạn nhân bị rắn cắn không nên ga-rô phía trên vết thương vì ga rôi khiến máu không lưu thông được có thể gây hoại tử chi; không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc, bởi việc rạch hút sẽ gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc; không đắp thuốc lá cây vì chúng có thể gây nhiễm trùng vết thương.

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ