Theo đó, BS. Phạm Thị Thu Hằng - Khoa Huyết học lâm sàng (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, đặc biệt là bệnh nhân trẻ tuổi thường bị thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn hấp thu Vitamin D và canxi. Vì thế bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa tươi, kem, sữa ít béo,… là cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày.
Sữa sẽ bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt, đồng thời giúp kiểm soát sắt hấp thu tốt hơn. Đồng thời, những thực phẩm nằm trong nhóm ngũ cốc như gạo, yến mạch, lúa mì, ngô cũng cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày của người bệnh.
Bên cạnh đó, vitamin E là chất oxy hóa tự nhiên giúp bảo vệ sức khỏe, chống lại chất oxy hóa gây hại và làm chậm quá trình lão hóa. Với bệnh nhân Thalassemia, bổ sung nhiều thực phẩm chứa Vitamin giúp tăng khả năng đáp ứng với thuốc điều trị tăng sinh hồng cầu.
Một số thực phẩm giàu Vitamin E được khuyến cáo trong thực đơn của bệnh nhân Thalassemia gồm dầu hạnh nhân, dầu đậu nành, quả bơ, dầu ô liu,…
Theo BS. Hằng, những thức uống như trà, cà phê có khả năng làm hạn chế hấp thu sắt - điều quan trọng mà mọi bệnh nhân Thalassemia cần đạt được. Trong đó, trà xanh chứa những chất rất tốt trong kiểm soát hàm lượng sắt trong cơ thể, người bệnh được khuyến cáo nên uống trà xanh mỗi ngày. Ngoài ra, một số loại gia vị, tiêu biểu là rau oregano sẽ có tác dụng tương tự.
Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia. Ảnh: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. |
"Ngoài sữa, bệnh nhân Thalassemia cũng cần bổ sung tăng cường canxi từ những thực phẩm khác. Đáp ứng tốt dinh dưỡng này giúp hạn chế hấp thu sắt và giảm tình trạng tích tụ sắt dư thừa, đồng thời tốt cho sức khỏe của xương và chất dẫn truyền thần kinh.
Những thực phẩm giàu canxi nên được dùng thường xuyên gồm: trứng, các loại đậu như đậu nành, đậu xanh, hạnh nhân,… Tuy nhiên nên kiểm soát ăn số lượng thực phẩm vừa đủ để cơ thể không hấp thu quá nhiều canxi. Đồng thời, rau củ quả tươi chứa nhiều Vitamin và khoáng chất, chúng hoạt động như những chất oxy hóa tự nhiên. Từ đó giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm biến chứng do Thalassemia gây ra" - BS. Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ thêm.
Ở chiều ngược lại, vị chuyên gia của Bệnh viện 108 cũng cho hay, bệnh nhân Thalassemia cần tránh một số loại thực phẩm chứa nhiều sắt cũng như các chất làm tăng hấp thu sắt.
Cụ thể như những loại hải sản chứa nhiều sắt gồm cá, hến, trai, sò,…; Các loại thịt đỏ rất giàu sắt như thịt cừu, thịt bò, thịt lợn, thịt gà phần sẫm màu hoặc trong trứng, gan động vật; Các loại rau củ chứa nhiều sắt gồm: khoai tây, rau ngót, đậu lăng, củ cải,…
Đặc biệt là những bệnh nhân Thalassemia nhỏ tuổi nên kiểm soát lượng thịt cá hạn chế trong chế độ ăn hàng ngày, thay vào đó là những loại thịt trắng như thịt gà, thịt vịt,…
Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là bệnh di truyền có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Liên đoàn Thalassemia Thế giới năm 2012 (TIF – Thalassemia International Federation), có khoảng 7% dân số trên thế giới mang gen bệnh huyết sắc tố và thalassemia.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organisation), bệnh huyết sắc tố (HST) ảnh hưởng tới 71% số nước trên thế giới; khoảng 7% phụ nữ có thai mang gen bệnh huyết sắc tố và khoảng 1,1% các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị mang gen bệnh. Mỗi năm có khoảng 60.000 – 70.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia mức độ nặng. Bệnh tập trung nhiều ở vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, ở nước ta có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.
Người bị bệnh và mang gen có ở tất cả các tỉnh/thành phố, các dân tộc trên toàn quốc. Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng.
Một người bệnh mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống. Mỗi năm, cả nước cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị tối thiểu và cần có khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.