Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra trong danh hiệu tồn tại “bệnh hình thức”. Điều này từng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở từ năm 2015.
Sau mấy năm rút kinh nghiệm, tình trạng dường như vẫn không được khắc phục, nhiều tiêu chí văn hóa được định tính nhiều hơn định lượng. Một số địa phương quá coi trọng thành tích, có nơi hơn 90% hộ gia đình văn hoá.
Người Việt đã quen thuộc với danh hiệu “Làng văn hoá”, nhưng ngay trong việc xét tặng cũng đã nhiều bất cập. Tiêu chí môi trường, tệ nạn xã hội, nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, rồi thậm chí 40% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… gần như chỉ mang tính hình thức, không đi vào thực chất.
Có lẽ những người trong cuộc là thấu hiểu hơn cả. Người được phân quyền xem xét trao tặng và cả người được tặng đều biết rõ hơn ai hết về “bệnh hình thức” trong các danh hiệu này.
Có gia đình nào “vạch áo cho người xem lưng”, có ai đi khoe con mình phạm vào tệ nạn xã hội, có ai đi nói gia đình lục đục? Vậy làm sao để chứng minh được rằng, gia đình đó đủ đạo đức, có lối sống chuẩn mực và hoàn toàn xứng đáng nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Người Việt mình dĩ hoà vi quý, chẳng dại gì đứng giữa cuộc họp mà thẳng toẹt về gia đình người khác. Mất lòng rồi đã đành, còn có thể mất mạng mà còn bị số đông quy cho là thành phần lý sự, lắm chuyện, thọc mạch, bép xép.
Rồi chuyện “Làng văn hóa” mới hay. Có nhiều nơi, ngày mai đoàn cán bộ về kiểm tra, thì dân làng lập tức tổ chức thu dọn vệ sinh sạch sẽ. Nhưng sau khi kiểm tra xong thì đâu lại vào đấy, rác vẫn tràn lan, vẫn cãi cọ chửi bới, tệ nạn nghiện hút vẫn âm thầm bền bỉ trong từng nóc nhà.
Vào năm 2020, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - đại biểu Nguyễn Mai Bộ thẳng thừng từ chối danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Ông cho rằng, việc trao các danh hiệu văn hoá trong những bối cảnh như thế là rất phản cảm.
Nhưng vì thói háo danh mà hầu như ở đơn vị cơ sở nào, số gia đình văn hóa cũng đạt 100% hoặc xấp xỉ. Bởi đó là chỉ tiêu, là tiêu chí để làng xã, phố phường phấn đấu đạt danh hiệu. Các cuộc họp bình bầu nào cũng vậy, ai dám không giơ tay khi tất cả đã giơ tay? Ai dám phản đối khi danh hiệu tốt đẹp mà số đông đang thèm khát?
Văn hoá là cả một quá trình bền bỉ để nhận ra “nhân lõi” của cuộc sống, chứ không phải vài ba năm để có tấm biển đỏ treo trước cổng làng. Người xưa không có các danh hiệu văn hoá, nhưng ăn ở với nhau như bát nước đầy, tình làng nghĩa xóm tối lửa đèn có nhau.
Có lẽ chúng ta đã nhầm giữa văn hoá với các tiêu chí rất lạ, để rồi càng nhiều làng và gia đình văn hoá được công nhận thì đạo đức lại càng xuống cấp.