Đó là khu nhà tạm lánh nằm tại khu phố Hố Nai 4, phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai do vị mục sư giáo xứ Tây Hải mở. Mái ấm đã hoạt động hơn 3 năm, là bến đỗ tạm của những phụ nữ mang thai bị gia đình, người yêu ruồng bỏ.
Quất ngựa truy phong
Khu nhà tạm lánh tuy không rộng, nhưng được chia làm nhiều phòng, mỗi phòng có thể ở được đến 4 người. Những cô gái lỡ làng từ khắp nơi trên cả nước tìm đến đây, tựa vào nhau mà sống.
Dáng người mảnh khảnh, ôm con trai hơn 4 tháng tuổi lượn khắp sân dỗ dành, Nhật (16 tuổi, quê Đắk Lắk) cười nói: “Chiều nào cũng vậy, cứ 5h mà phải ở trong phòng thì cu cậu không chịu đâu, cứ phải bế đi lòng vòng khắp sân, hết nắng thì cho ra đường ngắm cảnh. Thấy gió thổi lá bay lả tả là cậu cười khành khạch”.
Đêm nào em với mấy chị cũng ra đây ngồi, thắp cho các bé nén nhang khiến lòng em thấy thanh thản hơn. Có những người ra đến đây là ôm mặt khóc, mặc cảm vì từng có suy nghĩ sẽ bỏ con”.
Phương (19 tuổi, đang mang thai tháng thứ 7)
Khi bạn bè cùng trang lứa đang vui vẻ nô đùa, cắp sách đến trường thì Nhật phải làm mẹ trẻ đơn thân. Khi biết Nhật có bầu, bạn trai liền “quất ngựa truy phong”
Ngồi trong căn phòng chừng 20m 2 , tay đung đưa chiếc võng xếp, miệng hát ru ầu ơ cho đứa con mới 4 tháng tuổi ngủ, Hoa (20 tuổi, quê Thanh Hóa) rơm rớm nước mắt khi nhắc lại chuyện tình của mình.
“Đang học năm thứ hai tại một trường đại học ở Hà Nội thì em quen một người cùng quê. Quen nhau lâu lâu thì bạn trai rủ ra ở riêng” -Hoa kể.
Hai người đang chìm trong hạnh phúc thì Hoa phát hiện mình có thai. Ban đầu vì sợ nên không dám nói cho người yêu biết. Hoa nói với người yêu khi cái thai đã hơn 3 tháng tuổi, tưởng chừng người yêu sẽ chấp nhận và thông báo với gia đình để làm lễ cưới. Nhưng khi Hoa vừa mở lời thì người yêu buộc cô đi phá thai.
Sợ dư luận, sợ gia đình và bạn trai, Hoa có ý định bỏ thai nhưng rồi suy nghĩ kĩ, cô quyết giữ đứa con. Tình cờ biết đến khu nhà tạm lánh ở Đồng Nai, Hoa quyết định ngưng việc học.
“Anh ta đưa tiền bảo em đi bỏ thai nhưng em không bỏ, mấy ngày sau, em nói dối là bỏ rồi. Khi cái thai lớn dần, em không dám gặp mặt anh ta, nên quyết định đón xe từ Hà Nội vào đây để xin được ở tạm trong thời gian khó khăn” - Hoa kể.
Đến nay, khi con trai đã hơn 4 tháng tuổi, Hoa lo cho tương lai của con mà vẫn băn khoăn không biết phải nói với gia đình như thế nào. “Ở quê, gia đình em rất coi trọng danh dự. Em không biết nếu biết chuyện thì bố mẹ sẽ suy sụp như thế nào nữa. Giờ con em sắp lớn, người yêu không biết em ở đây và gia đình nghĩ em đang còn học…” - Hoa nói.
Nhà tạm lánh - bến tạm của những phụ nữ lỡ làng
Đùm bọc, đỡ đần
Nhật cho biết, thời gian mới về nhà tạm lánh, đêm nào cũng ôm gối khóc vì tủi thân, nhớ nhà và nỗi ám ảnh ăn sâu trong đầu là sợ. Nhật sợ không phải vì làm mẹ khi còn quá trẻ mà sợ điều tiếng gia đình, sợ sau này bố mẹ không chấp nhận hai mẹ con và lo sợ cho tương lai đứa trẻ lớn lên không cha.
Những lúc ấy, chị em chung phòng lại tâm sự, động viên, khích lệ để Nhật vượt qua. “Những lúc em tưởng chừng lâm vào thế bế tắc cùng cực, những lúc em không còn người thân thích nào ở bên để nương tựa thì các chị đã động viên, khích lệ em. Mọi người xem em như em út trong nhà nên em đỡ tủi thân hơn” - Nhật nói.
Tại khu nhà tạm lánh với hơn 30 số phận chịu áp lực tinh thần, khác biệt về văn hóa, tính cách, chuyện cãi cọ xích mích không thể tránh khỏi.
Thế nhưng, khi nghĩ đến hoàn cảnh người khác không khác gì mình, tất cả lại gạt đi những bất đồng để giúp đỡ nhau, từ bữa cơm, giặt đồ, lau nhà đến chuyện sinh nở. Người mới mang bầu giúp đỡ người sắp sinh, người có con lớn hơn giúp đỡ người mới sinh...
Bữa cơm không thể thiếu món chua
Mang bụng bầu về nhà thì bị bố mẹ chửi bới thậm tệ, không ai chấp nhận giữ lại đứa bé nên chị tìm đến nhà tạm lánh. Thời gian ở đây, chị không dám cho bố mẹ biết mà chỉ nói với hai em gái.
Hằng tuần, hai người em vẫn mua sữa, đồ đạc đến thăm chị và góp ý với bố mẹ để chị được về nhà. Đến khi con chị hơn 1 tuổi, bố mẹ chị đổi ý.
Bữa cơm của sản phụ chủ yếu là cơm trắng, canh cua rau đay, dưa chua, kèm theo món thịt. Chị Hạnh cho biết, người mang thai thường thèm chua, ngày nào cũng ăn món cải chua, rau muống muối chua, thịt thủ lợn nhưng không ai ngán.
Lịch nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cũng được sắp xếp cụ thể, mọi người thay phiên nhau nấu cơm. “Người mới sinh hay bầu sắp đến ngày vượt cạn thì không phải nấu. Người này nấu thì có người khác trông con giúp”, chị Hạnh nói.
Nghĩa trang thai nhi
Sau bữa cơm, những người đang mang trong mình mầm sống lại cầm nến, rủ nhau ra khu nghĩa trang thai nhi cách đó chưa đầy 100m.
Đây là nơi thiêng đối với họ vì nằm trong khu mộ là gần 10.000 bào thai, có những đứa trẻ đã thành hình không may sinh non, hay bị bố mẹ chối từ, được linh mục giáo xứ Tây Hải đưa về đây.
Chị Hạnh cho biết, những người đến nhà tạm lánh không mấy ai được thân nhân quan tâm, nên mọi người tự quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Điều buồn nhất là giờ phút “vượt cạn”.
“Với người phụ nữ, đó là thời điểm thiêng liêng, họ luôn cần người thân ở bên, nhưng ở đây, không ai có được điều đó, những giọt nước mắt tủi hận lăn dài trên mặt khi lâm bồn”, chị Hạnh nói.
*Tên nhân vật đã được thay đổi để đảm bảo đời tư
Linh mục Nguyễn Văn Tịch, người thành lập nhà tạm lánh, cho biết, trước đây làm khu nhà tương tự tại một giáo xứ khác. Năm 2011, ông về giáo xứ Tây Hải và có nhiều người liên lạc xin ở.
Ban đầu, ông mở khu nhà có 8 phòng, đến nay, được sự ủng hộ của giáo dân và người hảo tâm, ông đã mở rộng khu nhà để đón nhận những phận nữ lỡ làng tạm lánh chờ gia đình chấp nhận.