Bể than ở ĐBSH có trữ lượng 210 tỷ tấn

Bể than ở ĐBSH có trữ lượng 210 tỷ tấn

Được biết, than dưới lòng Đồng bằng sông Hồng nằm trên diện tích 3.500km2, trải dài từ Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Thái Bình... rồi kéo thẳng ra biển. Có khoảng vài chục vỉa than với tổng trữ lượng dự báo là 210 tỷ tấn. Các vỉa than này có chiều dày lớn, dao động từ 2 - 3m đến 10 - 20m, ít lớp kẹp, vỉa nằm thoải, duy trì ổn định, chất lượng tốt.

Bản đồ khảo sát thăm dò than vùng Đồng bằng sông Hồng (Màu xanh là toàn bộ bể than diện tích 3.500km2).
Bản đồ khảo sát thăm dò than vùng Đồng bằng sông Hồng (Màu xanh là toàn bộ bể than diện tích 3.500km2).

Theo số liệu khảo sát trên diện tích 962km2, trữ lượng than dự báo khoảng 30 tỷ tấn( khảo sát đến độ sâu – 1.700m). Trong đó tổng diện tích tìm kiếm tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên (80km2) có trữ lượng than trên 1,5 tỷ tấn. Riêng khu vực Bình Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) với diện tích thăm dò 25km2 đạt thăm dò sơ bộ trữ lượng 456 triệu tấn (khảo sát đến độ sâu âm 600m). Đây là loại than á BitumB, có chất lượng tốt, rất có giá trị cho sản xuất công nghiệp nhất là luyện kim. Dự báo nhu cầu than Việt Nam sẽ tăng lên  trên 30 triệu tấn/năm vào 2020.

“Các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nơi chứa các vỉa than nâu có giá trị kinh tế, đang đô thị hóa và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Bởi vậy cần đẩy nhanh công tác điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên than ở đây để đưa ra số liệu giúp cho việc quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý mà vẫn khai thác được tài nguyên năng lược quý giá của quốc gia”, Thứ trưởng nói.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, Đề án điều tra tổng thể tài nguyên bể than đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận là một trong những đề án điều tra lớn nhất từ trước đến nay. Bởi diện tích điều tra rộng tới 2.765 km2 nằm trên 6 tỉnh đồng bằng sông Hồng, khu vực phát triển kinh tế năng động của cả nước. Dự án quan trọng còn bởi theo dự báo, trữ lượng than của bể than này lên tới hơn 200 tỷ tấn và có đủ chất lượng làm than năng lượng.

Nhiều chuyên gia cùng cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thành và triển khai đề án để sớm có kế hoạch khai thác tài nguyên quý giá này. Bởi theo dự báo, đến năm 2013, chúng ta sẽ phải nhập khẩu than khi bể than Đông Bắc đã khai thác hết trữ lượng. Một số ý kiến đề nghị trong quá trình điều tra, cần lấy nhiều mẫu phân tích để đánh giá một cách chính xác chất lượng tài nguyên than ở đây. Chất lượng được đánh giá chi tiết sẽ giúp cho việc đấu thầu mỏ một cách thuận tiện và có hiệu quả sau này. Đồng thời cần sử dụng các công nghệ đánh giá, thăm dò hiện đại.

TS. Nguyễn Văn Nguyên, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Intergo (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết, dự kiến Đề án được triển khai từ 1/2010 đến tháng 12/2013 với 5 giai đoạn. Trước tiên sẽ khoan thăm dò ở vùng Khoái Châu (Hưng Yên). Ngoài việc đánh giá tài nguyên than nâu, Đề án còn xác định tiềm năng khí đốt, vật liệu xây dựng, nước khoáng – nước nóng…

Đề án thi công trên một vùng đồng bằng rộng lớn nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mặt, nước ngầm, theo TS. Nguyễn Văn Nguyên, trong quá trình thi công sẽ thu gom chất thải rắn tại các bãi thải hiện có hoặc chôn lấp, thu gom dầu mỡ để xử lý.

“Việc triển khai đề án sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng một khối lượng lớn đất canh tác nông nghiệp, vì vậy chúng tôi dự kiến sẽ khoan các lỗ đảm bảo nhu cầu sử dụng đất tối thiểu và chọn địa điểm thích hợp để giảm tối đa diện tích đất bị ảnh hưởng cũng như mặt bằng thi công tốt nhất, như thi công sau các mùa vụ thu hoạch”, TS. Nguyên nói.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ