Đang nuôi con tại khoa Ngoại - Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), chị Lâm Thị Chia (mẹ bé) cho biết, từ khi chào đời (2011) đến giờ, bé Phia thường xuyên bị rò nước tiểu.
“Nhà nghèo không dám đi chữa, cho đến thời gian gần đây bé bị đi tiểu không kiểm soát nhiều hơn và thường đau bụng nên tôi mới đưa con đi khám và biết nó có đến 4 thận”, chị Chia nói.
Thạc sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, kiêm Trưởng khoa Ngoại - Tổng hợp, cho biết đây là trường hợp rất hiếm gặp. Trên thế giới mới ghi nhận khoảng 100 người, riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, đây là ca thứ hai.
“Căn cứ vào chẩn đoán ban đầu, chúng tôi nghĩ bé bị nhiễm trùng tiểu và thận ứ nước, tuy nhiên khi phẫu thuật điều trị thận ứ nước, các bác sĩ mới phát hiện bé có đến 3 thận ở bên trái”, bác sĩ Hiếu nói.
Theo bác sĩ Hiếu, thay vì chỉ có một thận bên trái như trẻ khác, thận bên trái của Xà Phia có đến 3 quả riêng biệt và ép sát vào nhau.
Mỗi quả trong chùm thận này đều có một niệu quản (ống dẫn nước tiểu xuống bàng quang), tuy nhiên trước khi đến bọng đái, 3 niệu quản này chụm lại thành một ống niệu quản chung và đường niệu quản này thay vì cắm vào bọng đái thì lại đi lạc ra ngoài.
“Đây chính là nguyên nhân khiến bé bị són tiểu kéo dài”, ông Hiếu nói.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, để giải quyết tình trạng thận ứ nước, các bác sĩ đã cắt nối các đường niệu quản của ba quả thận bên trái giúp nước tiểu thông thoáng, đồng thời cắm niệu quản lạc chỗ vào bàng quang.
“Đến nay, bé đã bình phục. Tình trạng ứ nước tiểu không còn. Chức năng của các quả thận thừa cũng hoạt động ổn định”, Phó giám đốc Bệnh viện nói.
Giải thích hiện tượng đa thận, bác sĩ Hiếu cho rằng có thể do sự phát triển bất thường của mầm niệu quản trong quá trình mang thai. Hiện tượng này không thể hiện trong siêu âm thai kỳ.