Hậu quả khó ngờ
Thực tế, có nhiều vụ hiếp dâm khi đưa ra xét xử là do các nạn nhân chủ động dụ dỗ “yêu râu xanh” hoặc bạn trai.
Mới đây, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt Lê Văn Cường (16 tuổi) 3 năm tù về tội Giao cấu với trẻ em. Tuy nhiên nạn nhân 14 tuổi này bị xâm hại lúc 11 tuổi lại nhận mình là người chủ động “cho”.
Theo lời khai của cả hai phía, mọi chuyện xảy ra đều do cô bé hướng dẫn. Trước đó, bị cáo hoàn toàn chưa biết gì về “chuyện đó”. Còn nạn nhân có kinh nghiệm do từng bị một gã hàng xóm giở trò đồi bại nhiều lần năm 11 tuổi.
Mẹ nạn nhân cho hay, cách đây 3 năm, vợ chồng chị khi đi làm ăn thường để con ở nhà, không ngờ người hàng xóm đã dụ dỗ cô bé quan hệ nhiều lần. Tới khi con gái có biểu hiện ghen tuông với người vợ hàng xóm, chị mới theo dõi thì phát hiện sự việc. Gã hàng xóm đã dạy cô bé “đủ trò”. Gia đình sau đó phải chuyển chỗ ở vì dị nghị của làng xóm.
Trước đó, TAND tỉnh Bình Dương từng thụ lý một vụ án tương tự. Sau khi bị xâm hại ở quê (Hải Phòng), cô bé 14 tuổi được gửi vào Bình Dương sống với vợ chồng người anh.
Chỉ trong một đêm bỏ nhà đi chơi với bạn bè cũ, cô bé đã chủ động làm “chuyện vợ chồng” với hai thanh niên đồng hương… Còn nhiều trường hợp nạn nhân sau khi bị xâm hại tình dục đã sống buông thả.
Biểu hiện sang chấn tâm lý nặng nề
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, chuyên gia cao cấp về trẻ em và là bác sĩ tư vấn về sức khỏe tâm thần Nhi khoa chia sẻ: Sau hành vi bị xâm hại, đứa trẻ rất hoảng sợ.
Có những em bày tỏ được, nhưng có em lại kìm nén vì sợ bố mẹ, hoảng sợ vì bị thủ phạm dọa giết, hoảng sợ vì cảm thấy mình bị người xung quanh nhìn bằng hình ảnh không tốt đẹp. Các em không thể nói được với ai, thậm chí nếu bị xâm hại xong, người khác biết, các em còn có thể bị đánh giá nên rất sợ hãi.
Thực tế chưa có một nghiên cứu cụ thể về việc trẻ bị hiếp dâm rồi… “nghiện tình dục” nhưng đây là những hiện tượng có thực và đau lòng khi bị xâm hại một thời gian dài, các em có thể tìm lại chính người từng hiếp dâm hoặc người khác để… “cho không”.
Tuy nhiên, để giải thích hiện tượng này, bác sĩ An cũng cho biết, đó là một trong những biểu hiện của sang chấn tâm lý nặng nề, cùng với sợ hãi hoặc tăng động…
Nhìn từ góc độ nào, những đứa trẻ này vẫn là nạn nhân. Mặc dù còn rất nhỏ, nhưng các bé đã đủ nhận thức để nhìn nhận sự việc xảy ra với mình là một điều tồi tệ, khủng khiếp.
Vì thế, suy nghĩ không còn gì để mất sẽ xuất hiện ở trẻ. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến một số trẻ chưa “nghiện” quan hệ đã để mình tự do, thoải mái đi khi có kẻ khác xâm hại.
Ngoài tâm lý bất cần, ở trẻ còn có sự đấu tranh nội tâm rất lớn với suy nghĩ lỡ rồi, cho luôn… Chính vì vậy, trị liệu sang chấn tâm lý ở các nạn nhân này là một việc làm không đơn giản và cần kịp lúc, kịp thời, đòi hỏi các chuyên gia phải giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tâm và thật sự yêu thương trẻ.
Chữa tâm lý quan trọng hơn kiện
Ở góc độ khác, luật sư - chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, tác giả cuốn sách “Nói với con về tình dục không khó” cho rằng, để bảo vệ các em, nếu cha mẹ vác đơn đi kiện cũng quan trọng, nhưng nếu làm quá ầm ĩ lại càng khiến trẻ tổn thương hơn.
Khi nào trong gia đình cũng mang không khí của kiện tụng, mang những câu chuyện lặp đi lặp lại, vết thương càng ngày càng bị khoét sâu hơn trong đứa con.
"Giải quyết vấn đề tâm lý của em nhỏ bị xâm hại quan trọng hơn việc đi kiện nhưng hầu như các gia đình đều không làm được. Thậm chí, tôi từng biết nhiều em có dấu hiệu bị xâm hại nhưng bố mẹ không dám đưa đến trị liệu tâm lý vì sợ thêm người ngoài biết chuyện và bố mẹ cũng không tin vào các trị liệu tâm lý giúp các em", bà Huệ cho hay.
Theo bà Huệ, việc điều trị tâm lý phải hướng đến chuyện giúp các em coi chuyện bị xâm hại ấy chỉ là một kỷ niệm buồn, chứ không phải là sự kiện làm thay đổi đời em.
Kỷ niệm buồn ấy có thể quên đi. Các em lớn lên, lấy chồng, lấy vợ bình thường, nhưng nếu cha mẹ làm không khéo thì vết thương ấy bị khoét rộng ra, làm tổn thương các em nhiều hơn. Câu chuyện sẽ được truyền từ nhà này sang nhà khác, từ người này sang người khác, cứ lan rộng ra thì các em khó có khả năng hàn gắn được vết thương.
Ở góc độ trị liệu, theo ông Nguyễn Trọng An, nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng che giấu hành vi của trẻ vì nghĩ đó là chuyện chẳng tốt đẹp gì hoặc cực đoan hơn lại kiện tụng ầm ĩ.
Trong khi đó, việc trẻ bị đánh thức bản năng quá sớm phải được nhìn nhận như một tội ác. Nhưng quan trọng nhất đối với đối tượng này chính là trị liệu về mặt tinh thần thì chúng ta chưa làm được.
Đối với những nạn nhân này, theo bác sĩ An, ngoài điều trị bằng liệu pháp tâm lý, còn có việc điều trị phối hợp với thuốc khi cần thiết. Với liệu pháp phân tâm, thầy thuốc sẽ giúp người bệnh nhận thức được các sự kiện nào gây kích thích, tác động khiến họ thực hiện các xung động.
Ngoài ra, thầy thuốc dùng thêm các loại thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm để điều trị bệnh lý tâm thần kết hợp như tâm thần phân liệt, rối loạn trầm cảm hoặc các thuốc chống lại tình trạng gia tăng hoạt động tình dục quá mức, vượt quá khả năng kiểm soát của người bệnh.
Và về lâu dài, theo ông An, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng về trẻ em, về quản lý văn hóa phẩm, băng hình, internet, sự phối hợp của gia đình, nhà trường và điều quan trọng là sự giám sát độc lập của một cơ quan về trẻ em.