Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận bé gái 13 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai trong tình trạng có nhiều thương tích ở ngực và cánh tay do pháo nổ.
Theo BS, do sức ép từ vụ nổ, phổi của bé cũng bị dập bên trong, phải đặt nội khí quản hỗ trợ thở.
Ngay khi tiếp nhận, bé đã được y bác sĩ khoa ngoại thần kinh và khoa Bỏng – chỉnh hình khâu vết thương, chăm sóc các thương tổn đi kèm. May mắn là tình trạng tri giác của bệnh nhi không bị ảnh hưởng.
BS khuyến cáo rằng dù tết đã đi qua nhưng nguy cơ tai nạn từ đạn pháo vẫn luôn tiềm ẩn. Các bậc cha mẹ cần nâng cao cảnh giác để tránh các trường hợp tổn thương không đáng có cho con trẻ.
Thời gian qua, nhất là trong dịp nghỉ tết nguyên đán, có rất nhiều người gặp tai nạn do pháo. Đó là trường hợp của nam thanh niên 21 tuổi ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương bị vỡ bụng, mất tay vì pháo nổ.
BS cho hay, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phần bụng bị vỡ, tổn thương dạ dày, đại tràng, ruột non, bàn tay và cổ tay trái bị mất chỉ còn 1cm xương cổ tay, mất nhiều máu.
Bác sĩ sau đó đã phải cắt một phần ruột non, cắt bỏ bàn tay trái, khâu lại đại tràng phải, dạ dày, vết thương trên mặt, tạo hậu môn giả và truyền gần 3 lít máu cho bệnh nhân.
Trong lúc mổ, ê-kíp gắp được nhiều mảnh kim loại nhỏ ở ngực, đùi, bụng. Nguyên nhân xuất phát từ việc người bệnh để pháo vào trong lon nước cho phát nổ, nhưng bị văng trúng người.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các địa phương xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để xảy ra việc nổ pháo dịp Tết Nguyên đán.
"Nếu có tình trạng đốt pháo trái phép trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3/2018" - văn bản chỉ đạo của Thủ tướng nêu.