Các cuộc đối đầu khốc liệt nhất giữa hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) luôn diễn ra ở các bang “khó đoán”, nơi có dân số không đồng nhất. Một trong số đó là Florida.
Trận chiến mang tên Florida
Trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, Florida luôn là một bang đầy khó khăn đối với các ứng cử viên Tổng thống. Về cơ bản, Florida là một bang ở miền Nam với thành phần cư dân không đồng nhất, mang khuynh hướng bảo thủ và trung thành với đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, dân số Florida với một lượng lớn người nhập cư Cuba có quan điểm chính trị cực kỳ không đồng nhất. Chính vì vậy, Florida được coi là trận chiến quyết định đến chiến thắng của các ứng cử viên.
Năm 2000, George W.Bush giành chiến thắng trước Al Gore chỉ sau khi có kết quả kiểm phiếu tại Florida. Chính vì vậy, Florida luôn là địa chỉ được các ứng viên Tổng thống Mỹ đặc biệt quan tâm.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump vừa có bài phát biểu ở Fort Myers, trở thành thông điệp thứ hai của ông đối với các cử tri Florida trong vài ngày qua.
Trước đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa đã phát biểu tại Miami vào thứ Sáu tuần trước. Trong khi đó, Thống đốc Indiana Mike Pence, người được đề cử làm phó cho Trump đã có bài phát biểu trước cư dân Florida vào ngày thứ Bảy.
Đảng Dân chủ cũng hết sức quan tâm đến Florida. Mặc dù, bà Hillary Clinton mới chỉ đến Florida có 2 lần trong chiến dịch tranh cử, nhưng người được tiến cử vào cấp phó cho Hillary - Thống đốc Virgina Tim Kane đã viếng thăm Florida tới 3 lần.
Theo dự định, trong tuần tới, Hillary Clinton sẽ trở lại Florida và phát biểu tại Orlando, ngày 30/9, cử tri sẽ đón bà tại Miami. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, khoảng cách giữa hai ứng cử viên hàng đầu ở Florida chỉ là 1%. Hillary Clinton giành được 41% số người ủng hộ, Donald Trump - 40%.
Cuộc bầu cử với các ứng cử viên đặc biệt
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45 được cho là hết sức đặc biệt. Đó là cuộc đua của một phụ nữ đầu tiên trong lịch sử và một tỷ phú chưa bao giờ hoạt động trên chính trường. Nhìn bề ngoài, có vẻ như giờ là lúc các ứng cử viên thi nhau “tung trưởng” nhằm hạ thấp uy tín của nhau.
Donald Trump bị những người Dân chủ cho là không có kinh nghiệm trong hoạt động chính trị, đặc biệt là trong quan hệ quốc tế. Ngoài ra, ông Trump có tính khí thất thường, liên tục gây scandal kiểu vạ miệng. Ví dụ, Donald Trump ca ngợi Tổng thống Nga V.Putin, chỉ trích NATO… Đây là những quan điểm vốn không được hoan nghênh ở Mỹ.
Trong khi đó, Hillary Clinton được đánh giá là một chính trị gia lão luyện với bề dày lịch sử đáng nể: Hai khóa là đệ nhất phu nhân tại Nhà Trắng, 1 khóa làm Bộ trưởng Ngoại giao chưa kể thời gian dài là Thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, bà Hillary Clinton cũng có những yếu điểm chết người.
Trước hết, dư luận Mỹ không khỏi bức xúc trước thái độ được cho là “không trung thực” của Hillary. Ngoài ra, vấn đề sức khỏe của cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng là điều làm không ít người lo ngại.
Theo điều tra gần nhất, Hillary Clinton đang dẫn điểm sít sao trước Donald Trump, nhưng hai vụ tấn công khủng bố gần đây ở New York và New Jersey cho thấy chính sách nhập cư của Donald Trump được đa số người Mỹ ủng hộ.
Các vụ tấn công khủng bố ở 2 tiểu bang vừa qua đang là đề tài tranh cãi gay gắt giữa hai ứng cử viên. Trong cuộc gặp gỡ với cử tri ở Florida, Donald Trump tỏ thái độ hết sức gay gắt với sự kiện này.
Chúng ta phải đảm bảo xét xử nhanh chóng, công bằng và trừng phạt hết sức nghiêm khắc đối với Rahami (nghi can vụ khủng bố) - Donald Trump tuyên bố.
Ông Trump không quên cho rằng, Hillary Clinton quá “yếu”, rằng bà ấy “khó có thể làm được việc này”. Hillary Clinton bác bỏ những cáo buộc của Trump, cho rằng những tuyên bố trên chỉ làm leo thang căng thẳng giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu việc chống khủng bố được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự vận động tranh cử thì Donald Trump sẽ chiếm ưu thế so với Hillary Clinton.