Giới truyền thông phương Tây đang đề cập đến việc những rạn nứt trong quan hệ giữa Ukraine và Mỹ đang bắt đầu xuất hiện, đằng sau cuộc xung đột Ukraine-Nga và các phương thức kết thúc nó.
Mặc dù Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev vào ngày 20 tháng 2 để thể hiện tình đoàn kết và thống nhất với Ukraine, nhưng “những điểm căng thẳng mới” đang xuất hiện.
Theo đó, Washington và Kiev dường như đang bất đồng trong quan điểm về việc bảo vệ thị trấn Artemovsk/Bakhmut, việc tái chiếm bán đảo Crimea từ tay Nga và vụ phá hoại tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga sang Đức chạy xuyên đáy biển Baltic, mang tên Nord Stream.
Theo báo cáo, nhiều quan chức chính quyền Mỹ lo ngại rằng Kiev đang hao tổn quá nhiều nhân lực và đạn dược để bảo vệ Artemovsk, được biết đến ở Ukraine với tên gọi trước thời Liên Xô là Bakhmut, một thị trấn mà theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, có giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược và giá trị hoạt động quân sự.
Artemovsk – thành phố nằm ở phía bắc thành phố Donetsk đang là trọng điểm giao tranh giữa Nga với Ukraine ở Donbass trong nhiều tháng nay, với việc cả Nga và Ukraine đều bơm vũ khí và nhân viên quân sự vào đây.
Đối với Donbass, thành phố này là đầu mối giao thông quan trọng với nhiều ngã tư, trước đây từng là trung tâm tiếp tế quan trọng cho quân đội Ukraine đóng tại khu vực khi bắt đầu chiến dịch quân sự do Nga phát động ở Ukraine một năm trước.
Tuy nhiên, trong hai tháng qua, tình hình đã tiến gần hơn đến việc quân đội Nga bao vây hoàn toàn thành phố, khi lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga đã tiến vào trung tâm thành phố và tiến hành bao vây thành phố từ hướng đông và hướng bắc.
Trong những ngày qua, ở thủ đô các nước phương Tây đang gia tăng sự lo ngại về những tổn thất nặng nề của Ukraine ở Artemovsk có thể làm suy yếu khả năng của quân đội nước này trong việc phát động một cuộc phản công, được hoạch định là vào mùa xuân tới.
Các vụ nổ ở đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream) xảy ra vào ngày 26/9/2022 tại vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch, gần gần đảo Bornholm của Đan Mạch, khiến một lượng lớn khí gas rò rỉ ra biển Baltic.
Các báo cáo gần đây tuyên bố rằng thông tin tình báo cho thấy có sự tham gia của một “nhóm thân Ukraine” trong các sự cố ở “Dòng chảy Phương Bắc” đã khiến chính quyền Biden nhắn nhủ với Kiev rằng “một số hành động bạo lực” bên ngoài biên giới Ukraine sẽ không được dung thứ.
Thêm nữa, nhiều đồng minh của Ukraine cũng đang lo ngại rằng, sau khi nhận được máy bay chiến đấu từ phương Tây, Kiev có thể mở rộng các mục tiêu quân sự sang lãnh thổ Liên bang Nga, xung đột có thể leo thang với nguy cơ lôi kéo NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột này.
Tuy nhiên, Nga đã phản bác những tuyên truyền về việc “một nhóm thân Ukraine” tham gia vào vụ phá hoại tuyến đường ống Nord Stream và chỉ rõ rằng, vụ phá hoại này rất phức tạp và nó phải là kịch bản trong một kế hoạch được lập ở tầm cỡ các cơ quan tình báo quốc gia.
Nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh cũng gọi giả thuyết này là “nực cười” và chỉ rõ việc Mỹ nhúng tay vào vụ đặt chất nổ phá hoại “Dòng chảy Phương Bắc” thông qua cuộc tập trận Baltic Operations 2022 (BaltOps 22), cùng với sự giúp sức của Anh và sự đồng lõa của Thụy Điển và Đan Mạch.
Một điểm khác của cuộc khủng hoảng giữa Washington và Kiev là việc Ukraine khăng khăng rằng, Crimea cần phải được tái chiếm, điều mà Nhà Trắng vẫn luôn tuyên bố ủng hộ, nhưng Lầu Năm Góc coi là “không thực tế” do thế trận phòng thủ của Nga đã thiết lập suốt 9 năm qua.
Giành lại quyền kiểm soát Crimea là bất đồng đã tồn tại dai dẳng trong quan hệ giữa phương Tây và Kiev, suốt từ khi bán đảo này tuyên bố ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào lãnh thổ Nga, sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3/2014, đến nay.
Phương Tây mặc dù vẫn luôn ủng hộ Ukraine tuyên bố Crimea là vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng bất hợp pháp nhưng cũng thừa nhận rằng, việc tấn công tái chiếm bán đảo này là “phi thực tế”, bởi Nga đã xây dựng bán đảo này trở thành một pháo đài thực sự kiên cố với rất nhiều loại vũ khí, trang bị hạng nặng, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược, các tổ hợp phòng không tối tân nhất và cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Hơn nữa, Moscow đã từng tuyên bố rằng, để bảo vệ các vùng lãnh thổ của mình, nước này sẽ không ngần ngại sử dụng cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, động thái sẽ khiến cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang lên cấp độ cực kỳ nguy hiểm hoặc cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga-NATO thực sự biến thành cuộc chiến tranh thế giới mới giữa hai thế lực quân sự mạnh nhất toàn cầu.