Ba bước đi của Nga buộc Mỹ nhận ‘cú phản đòn hạt nhân’ khủng khiếp

GD&TĐ - Để phá đòn đánh phủ đầu vào lực lượng tên lửa chiến lược của mình, Nga sẽ chỉ cho Mỹ thấy những thiệt hại khủng khiếp từ cú phản đòn hạt nhân.

Ba bước đi của Nga buộc Mỹ nhận ‘cú phản đòn hạt nhân’ khủng khiếp

Vừa qua, giới truyền thông dẫn nguồn tin từ tình báo Mỹ đánh giá Nga vẫn là cường quốc hạt nhân số 1 thế giới và vẫn đang tiếp tục hiện đại hóa kho tên lửa hạt nhân tầm xa và hệ thống mang phóng ngầm dưới nước.

Giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi một nửa trong số 6000 đầu đạn hạt nhân của Nga bị hư hỏng, nửa còn lại cũng đủ biến thế giới thành một đống đổ nát.

Trong bối cảnh đó, giới chức lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang tìm mọi cách khắc chế kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga, bằng cách tìm tòi biện pháp đánh phủ đầu sao cho chỉ một đợt tấn công đầu tiên đã có thể tiêu diệt phần lớn tiềm lực hạt nhân của Moscow.

Theo nội dung bài viết mới đây trên tạp chí “Tư tưởng quân sự” của Bộ Quốc phòng Nga dành cho các nhà lãnh đạo quân sự, các chiến lược gia của Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch đánh bại Nga bằng hình thái “Hoạt động chiến lược đa lĩnh vực” trong phạm vi toàn cầu.

Bài viết lưu ý, Washington đang dần mất đi vị thế thống trị trên thế giới; do đó, tính chất gây hấn trong đường lối chính trị - quân sự của Mỹ đối với Nga ngày càng gia tăng, vì Nhà Trắng coi Điện Kremlin là thủ phạm chính khiến Hoa Kỳ mất đi vai trò thống trị thế giới.

Theo bài viết, khái niệm về hoạt động này chỉ ra rằng, các lực lượng liên quân Mỹ sẽ thực hiện đồng bộ ba bước đi nhằm vô hiệu hóa bộ ba vũ khí răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Thứ nhất: Lầu Năm Góc dự tính đánh bại ít nhất 65-70% lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga thông qua một cuộc tấn công chớp nhoáng toàn cầu bằng vũ khí thông thường, đặc biệt là các vũ khí siêu thanh.

Thứ hai: Vô hiệu hóa các phương tiện mang phóng vũ khí hạt nhân còn lại và đã xuất phát của Nga bằng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, với các bệ phóng cả trên bộ lẫn trên biển; ở cả trong lãnh thổ nước Mỹ lẫn các căn cứ đặt ở lãnh thổ các nước đồng minh.

Thứ ba: Ngay sau đòn đánh phủ đầu, nhanh chóng thực hiện đòn tấn công hạt nhân tối thiểu, đủ để tiêu diệt Nga, mà chỉ gây ra tác động nhỏ nhất đến các nước khác.

Tất nhiên là trong khi Mỹ đang tìm cách để phá hủy kho vũ khí hạt nhân của Nga thì Moscow cũng không khoanh tay đứng nhìn Washington bẻ gãy cây gậy răn đe chiến lược của mình. Tạp chí “Tư tưởng quân sự” Nga cũng đề ra những phương án để bảo toàn lực lượng hạt nhân, thực hiện các cú “phản đòn hạt nhân” buộc đối thủ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc.

Các nhà chiến lược quân sự Moscow cũng chỉ ra ba bước đi để ngăn chặn và hạn chế tối đa hậu quả từ cuộc tấn công chớp nhoáng toàn cầu bằng vũ khí thông thường của Mỹ và NATO.

Theo đó, để đánh bại hành động tấn công phủ đầu của Mỹ, Nga phải “sử dụng vũ khí tấn công và phòng thủ chiến lược hiện đại, gồm cả vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân, áp dụng các công nghệ quân sự mới nhất”, nhằm tránh tổn thất lớn cho lực lượng tấn công chiến lược của mình.

Tiếp đó, Nga phải kích hoạt các hệ thống chiến tranh điện tử, áp chế hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, để phế bỏ khả năng tiêu diệt tên lửa chiến lược của Nga trên không.

Giai đoạn cuối cùng của hoạt động là cú “phản đòn hạt nhân”, với việc gây ra “thiệt hại không thể chịu đựng được” cho kẻ xâm lược, kích hoạt toàn bộ tiềm lực hạt nhân “còn sống sót”, tung ra đòn tấn công đáp trả hạt nhân của các phương tiện phóng hạt nhân còn lại.

Bài báo nhấn mạnh rằng, việc ngăn chặn động thái ý đồ tiến hành hành động xâm lược từ phía Mỹ là khả thi, thông qua việc thể hiện một cách thuyết phục cho kẻ thù thấy rằng: Nga có thể đảm bảo thực hiện tiêu chí răn đe ít nhất là trong một giai đoạn thuộc chu trình không gian vũ trụ, trong hoạt động chiến lược toàn cầu đa lĩnh vực của NATO.

Điều đó có nghĩa là Moscow cần một hệ thống công cụ chứng tỏ một cách thuyết phục cho giới lãnh đạo quân sự - chính trị ở Washington thấy rằng, đòn tấn công tổng hợp của Mỹ không thể gây thiệt hại quá nghiêm trọng cho lực lượng hạt nhân Nga.

Hơn nữa, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không có khả năng loại trừ hoàn toàn đòn trả đũa hạt nhân của Nga, và chỉ ra cho Washington thấy rằng, Moscow chắc chắn sẽ khiến các đối thủ phải gánh chịu những thiệt hại mà họ “không thể chịu đựng được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ