Sau 3 năm triển khai đề án hỗ trợ người dân tộc Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An, hơn 1/3 số bò giống bị chết hoặc bị bán; chuồng trại trị giá hàng trăm triệu đồng bị phá dỡ, bỏ hoang.
Bò nuôi 3 năm giá còn một nửa
Tháng 8/2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3829/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 – 2025, với tổng kinh phí 120 tỉ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương 108 tỉ đồng, ngân sách địa phương 12 tỉ đồng).
Đề án được giao cho Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; bảo tồn, phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.
Ban đầu, đề án được triển khai tại bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh), ở huyện Tương Dương. Tuy nhiên, trên thực tế ở bản Đửa không có người Ơ Đu nên tháng 9/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã loại bản Đửa ra khỏi đề án.
Năm 2020, tại bản Văng Môn, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã triển khai xây dựng 67 chuồng bò cho 77 hộ dân chăm sóc, nuôi nhốt bò với số tiền hơn 12,6 tỉ đồng. Trong đó, có 4 chuồng loại 1 (127 triệu đồng/chuồng), 10 chuồng loại 2 (236 triệu đồng/chuồng), 53 chuồng loại 3 (136 triệu đồng/chuồng).
Số bò giống được cấp cho 77 hộ dân ở bản Văng Môn là 304 con, mỗi hộ 4 con (có 4 hộ hỗ trợ 3 con). Giá trị mỗi con bò lúc cung ứng cho bà con nơi đây là 15 triệu đồng/con, với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng. Ngoài ra, đề án còn hỗ trợ người dân khai hoang, cải tạo đất sản xuất để trồng cỏ sữa chăn nuôi bò.
Theo người dân bản Văng Môn, sau khi nhận bò giống, vì thiếu thức ăn và điều kiện sống không phù hợp nên nhiều con bò đã bị chết hoặc bị bán với giá rẻ. Bên cạnh đó, một số thiết bị trong hệ thống chuồng trại như bạt cuốn, máy cắt thức ăn, thùng phi chứa nước… bị người dân đem bán.
Ông Lo Văn Cường (SN 1964), trú tại bản Văng Môn cho biết, năm 2020, gia đình ông được nhận 4 con bò giống, mỗi con nặng khoảng 80 - 90 kg, trong đó có 1 con chưa cai sữa. Mặc dù, bò giống có giá khá cao nhưng sau 3 năm chăm sóc, bò phát triển rất chậm. Thời điểm hiện tại, nếu bán cho thương lái, giá mỗi con chỉ khoảng 5 - 7 triệu đồng.
Ông Cường còn cho rằng, so với trước khi về khu tái định cư tại bản Văng Môn điều kiện sống của đồng bào Ơ Đu tốt hơn. Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất và việc làm khiến kinh tế người dân gặp nhiều khó khăn. Một số gia đình trong bản đã phải bán bò giống được cấp hoặc đưa bò đi vùng khác để chăn nuôi, số khác rời bỏ nhà cửa để đi làm thuê.
Chuồng bò xây theo đề án tại bản Văng Môn bị người dân tháo dỡ. Ảnh: Phạm Tâm |
Đề án nhiều tai tiếng
“Tháng 11/2021, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An khi thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu, giai đoạn 2016 - 2025. Trong quá trình thực hiện đề án, các đối tượng đã lập khống chứng từ, nâng khống khối lượng thực hiện các hạng mục, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 1,5 tỉ đồng. Bị cáo Lương Thanh Hải (cựu Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, kiêm Trưởng ban Quản lý Đề án) bị tuyên án 3 năm tù treo. Riêng nội dung thẩm định và xây dựng 77 chuồng bò, Công an tỉnh Nghệ An đã tách thành vụ án riêng để điều tra, làm rõ.
Liên quan đến vấn đề này, bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My, huyện Tương Dương, cho biết, thực trạng bò giống thuộc đề án hỗ trợ bị chết có từ năm 2020.
Tuy nhiên, những trường hợp này chủ yếu là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Gia đình có người thân mất, mắc bệnh xã hội hoặc chuyển nhà đi nơi khác. Còn đại đa số những hộ khác đều chăn nuôi tốt, bò đẻ thêm nhiều con.
“Giống bò dưới xuôi về đây không hợp khí hậu, thức ăn trên này bò ăn không lớn được. Chính quyền và người dân mong muốn được cấp phát giống bò bản địa. Dù to hay nhỏ thì giống địa phương vẫn thích hợp với khí hậu, thức ăn ở đây”, bà Mùi cho biết thêm.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vy Mỹ Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết, mặc dù có kinh phí 120 tỉ đồng, nhưng đến nay Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu mới triển khai được giai đoạn 1 và giải ngân được hơn 28 tỉ đồng.
Theo ông Sơn, thời điểm giao nhận bò, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cùng chính quyền địa phương và người dân đã ký biên bản cam kết không tự ý bán bò, không thả rông, không tự ý chuyển đổi sang trâu hoặc gia súc khác. Ngoài ra, các hộ dân không được bán bò mẹ, chỉ bán bê con để phát triển duy trì đàn. Bò mẹ khi đẻ 5 - 6 lứa trở lên mới được bán.
Đối với ban quản lý bản (Bí thư Chi bộ, trưởng, phó bản…) phối hợp với UBND xã nắm chắc số lượng bò của từng hộ dân, quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng tự ý bán bò.
Vì nhiều lý do, 1/3 số bò giống bị chết hoặc người dân đem bán. Ảnh: Phạm Tâm |
Tuy nhiên, theo thống kê tại bản Văng Môn cho thấy, đến nay có 47 con bò giống đã bị chết, 75 con bị người dân bán, bò sinh thêm 17 con, 7 chuồng bị người dân tháo dỡ và 6 chuồng bị bỏ hoang. Nhìn lại những số liệu này, ông Sơn thừa nhận đề án không đạt được mục tiêu đề ra là giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đánh giá nguyên nhân chủ yếu là do việc bố trí vốn còn chậm, khâu khảo sát thực hiện đề án chưa sâu sát. Ngoài ra, bên cạnh đa số hộ dân coi trọng, chăm sóc tốt cho đàn bò thì vẫn còn người dân chưa ý thức được sự quan tâm của Nhà nước.
Thời gian tới, Ban Dân tộc Nghệ An sẽ cùng chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện theo cam kết, không tự ý bán bò, bán chuồng. Ngoài ra, đơn vị cũng kiến nghị cấp trên bố trí đầu tư hệ thống cấp nước tưới tiêu cho các diện tích trồng cỏ voi, xây dựng cầu dân sinh từ khu dân cư sang bãi trồng cỏ.
Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ có văn bản báo cáo sự việc cho UBND tỉnh này để xin phương án giải quyết.