Bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào công chức từ tháng 1/2024

GD&TĐ - Bộ Nội vụ đã công bố dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận.

Bộ Nội vụ đề xuất hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Ảnh minh họa
Bộ Nội vụ đề xuất hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức đề xuất, trước ngày 31/1 hàng năm, Bộ Nội vụ phải ban hành kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức, số lần tổ chức kiểm định trong năm, thời gian, địa điểm tổ chức kiểm định. Đồng thời công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ. Đây là quy định mới mà người lao động cần đặc biệt quan tâm.

Không bắt buộc thi ngoại ngữ và tin học

Trường hợp các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức cho kỳ tuyển dụng công chức hàng năm của các cơ quan, đơn vị được phân công quản lý thì xây dựng kế hoạch, thông báo và lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định.

Bộ Nội vụ đề xuất hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: Hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức. Cùng với đó là kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, nhận thức, khoa học, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh.

Tại dự thảo Nghị định đề xuất không yêu cầu phải thi môn Ngoại ngữ và Tin học. Bởi theo yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3. Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp theo Quyết định số 1400. Trong khi, chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ đó phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển.

Đối với tin học, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học. Tuy nhiên, đối với những vị trí việc làm yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ hay tin học ở trình độ cao thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có thể yêu cầu kiểm tra tại lúc thực hiện quy trình tuyển dụng công chức.

Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên sẽ trong thời gian 120 phút. Số lượng câu hỏi không quá 100 câu.

Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng có thời gian 100 phút. Số lượng câu hỏi không quá 80 câu.

Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 60% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào của thí sinh được xếp loại như sau: Loại xuất sắc phải trả lời đúng từ 90% số câu hỏi trở lên. Loại giỏi phải trả lời đúng từ 80% đến dưới 90% số câu hỏi; loại khá trả lời đúng từ 70% đến dưới 80% số câu hỏi; đạt yêu cầu khi trả lời đúng từ 60% đến dưới 70% số câu hỏi.

Điều kiện tham gia kiểm định

Dự thảo Nghị định quy định người có đủ các điều kiện sau đây, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Đó là có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp chuyên môn ở trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu kiểm định.

Còn đối với những người không cư trú tại Việt Nam hoặc mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục thì không đủ điều kiện đăng ký kiểm định.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định quyết định thành lập Hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Hội đồng kiểm định có 5 hoặc 7 thành viên. Bao gồm Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng; Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng; Các ủy viên khác do người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.

Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Trường hợp số ý kiến bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.

“Không bố trí những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đăng ký kiểm định hoặc của bên vợ (chồng) của người đăng ký kiểm định; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của đăng ký kiểm định. Những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng kiểm định”, dự thảo Nghị định nêu rõ.

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ kiểm định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định phải báo cáo Bộ Nội vụ phê duyệt kết quả.

Kết quả kiểm định được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tổ chức kiểm định.

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển vào làm công chức tại các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi toàn quốc.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng công chức được căn cứ xếp loại kết quả kiểm định để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.

Bộ Nội vụ đề xuất việc yêu cầu bắt buộc người đăng ký tham gia thi tuyển công chức phải đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện kể từ ngày 1/1/2024.

Việc tổ chức thi tuyển công chức tiếp tục sẽ được thực hiện theo Nghị định số 138/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đến hết ngày 31/12/2023.

(Còn nữa…)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.