Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BNV.
Nhận định của Bộ GD&ĐT, qua quá trình thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định. Các cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng cấu trúc tổ chức bộ máy nhà trường; chủ động thực hiện công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại đơn vị.
Việc ban hành các quy chế, quy định trong cơ sở giáo dục đại học còn chậm, chưa đầy đủ, chưa đúng quy trình, dẫn đến để xảy ra những thiếu sót, khuyết điểm; một số quy định, quy chế được ban hành chậm hoặc chậm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu quản lý giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cơ sở.
Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, theo Bộ GD&ĐT còn một số tồn tại và hạn chế.
Đó là, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học chưa xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục đại học thành lập và viện và tổ chức trực thuộc nhưng thiếu quy chế hoạt động, quy chế quản lý tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ hoặc có quy chế nhưng nội dung không phù hợp với quy định hiện hành.
Một số cơ sở giáo dục đại học lại chưa quan tâm đến chỉ tiêu biên chế, dẫn đến tình trạng thừa hoặc thiếu biên chế so với phát triển quy mô đào tạo của nhà trường.
Một số đơn vị còn chưa thực hiện đúng quy định về quy trình điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng và bổ nhiệm đối với từng vị trí.
Cũng có biểu hiện tùy tiện trong quản lý, sử dụng viên chức, bố trí công việc không phù hợp với trình độ chuyên môn, bố trí không hợp lý, thực hiện nâng ngạch, bổ nhiệm vào ngạch không đúng hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Thực hiện quy chế dân chủ
Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các đơn vị đã thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và xây dựng quy chế, quy định liên quan.
Nhận định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của các cơ sở giáo dục đại học về cơ bản đã được thực hiện tốt, Bộ GD&ĐT cũng cho biết công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Đó là một số cơ sở giáo dục đại học chưa thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở hoặc thành lập mang tính hình thức, đối phó.
Cấp ủy Đảng ở một số đơn vị chưa phát huy được vai trò, chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chưa đầu tư đúng mức việc xây dựng các quy định cụ thể.
Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, viên chức ở một số cơ sở giáo dục đại học thiếu dân chủ.
Các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp đều kiêm nhiệm, không có kinh phí và thời gian hoạt động; chưa có chế độ khen thưởng với các đơn vị làm tốt; việc nhân rộng các điển hình cũng chưa được quan tâm đúng múc.
Bên cạnh đó, một số trường còn có hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài, vượt cấp.