Bảo vật “Én bạc”: Huyền thoại trên bầu trời

GD&TĐ - Trước khi trở thành Bảo vật Quốc gia, hai máy bay MIG 21 số hiệu 5121 và 4324 được ví là huyền thoại trên bầu trời. Những trận không chiến oanh liệt nhắc nhở thế hệ ngày nay ghi nhớ về thời hào hùng của dân tộc.

Bảo vật Quốc gia MIG 21, số hiệu 4324 đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ và được vinh danh bằng 14 ngôi sao.
Bảo vật Quốc gia MIG 21, số hiệu 4324 đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ và được vinh danh bằng 14 ngôi sao.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày hai chiếc MIG 21 đều được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Hai chiếc máy bay từng thuộc biên chế đội hình tiêm kích của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ bao gồm cả B52.

“Én bạc” hạ 14 máy bay địch

Chiếc MIG 21 mang số hiệu 4324 màu xám bạc nên còn được gọi là “én bạc”, được công nhận là Bảo vật Quốc gia đầu năm 2015. Một cán bộ bảo tàng tự hào nói rằng: “Đây là chiếc máy bay nhiều sao nhất của Không quân Việt Nam. Với 14 sao trên mũi là biểu tượng cho 14 chiến công oanh liệt bắn rơi máy bay Mỹ”.

MIG 4324 nằm trong đội hình máy bay tiêm kích được Liên Xô (cũ) viện trợ cho Không quân Việt Nam và tháng 1/1967. Trong năm đó, chiếc máy bay này đã xuất kích 69 lần, gặp máy bay Mỹ 22 lần, bắn 25 quả tên lửa và hạ tổng cộng 14 máy bay hiện đại của Mỹ. 8 trong số 9 phi công thay nhau lái chiếc máy bay này được phong danh hiệu Anh hùng.

Nói về chiếc MIG 4324, đại tá Bùi Văn Cơ, nguyên Tổ trưởng Kỹ thuật của Trung đoàn 921 cho hay, đầu năm 1967, hàng chục chiếc MIG 21 được vận chuyển từ Liên Xô về Việt Nam bằng đường thủy. Các chuyên gia Liên Xô sang tận nơi cùng cán bộ kỹ thuật của trung đoàn lắp ráp.

Ngày ấy, trung đoàn đóng quân ở sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài). Nhà xưởng bị trúng nhiều bom. Ô tô chở container chứa máy bay đã tháo rời đến các rìa làng để lắp ráp vào ban đêm. Thiếu ánh sáng, lính kỹ thuật phải cầm đèn pin rọi cho nhau để lắp ráp máy bay. Không có cần cẩu, họ lấy sức người kéo phần cánh, động cơ, thân đuôi nặng hàng tấn ra ngoài để lắp.

Để bảo vệ máy bay, các chiến sĩ phải làm hầm tránh bom. Họ xếp từng tấm ghi sắt, ray đường tàu hỏa thành mái hầm chữ A khổng lồ rồi vào làng xin rơm, nhào đất dày tới 30cm trát lên nóc tạo thành hầm chứa ngoài sân bay nhằm tránh sự nhòm ngó của máy bay trinh sát Mỹ.

“Qua thời gian chiến đấu, đội hình MIG 21 bị hư hỏng gần hết, có ngày chỉ còn lại hai chiếc MIG 4324 và 4326 làm nhiệm vụ trực chiến”, đại tá Cơ cho hay.

Từng số seri, vết đạn, dòng chữ, màu sơn được bảo vệ toàn vẹn.
Từng số seri, vết đạn, dòng chữ, màu sơn được bảo vệ toàn vẹn.

“Cứu sống” huyền thoại

Năm 1968, Không quân Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc, các sân bay trở thành mục tiêu ném bom. Sau trận đánh cuối cùng tháng 12/1967, chiếc MIG 4324 cùng hàng trăm máy bay khác được gửi sang sân bay Tường Vân (Trung Quốc).

Thượng tá Đỗ Văn Sủng, nguyên Phó phòng Kỹ thuật Sư đoàn 371 là người gắn bó với chiếc máy bay sau thời gian nghỉ chiến đấu. Ông đã sửa chữa thành công chiếc MIG khi nó bị hỏng hóc nặng.

Ông Sủng kể, đầu năm 1969, đoàn công tác của trung đoàn được cử sang Trung Quốc để đưa hơn 200 chiếc máy bay chiến đấu về nước. Khi thủ tục đã hoàn tất, ông Sủng khởi động chiếc 4324 nhưng máy không nổ. Đoàn quyết định đưa những chiếc khác về trước và sửa chữa chiếc máy bay bị hỏng. Sửa không được, Bộ Quốc phòng chỉ thị tháo rời các bộ phận máy bay và đưa về Việt Nam bằng tàu hỏa.

“Chúng tôi biết tin thì xót cho chiếc 4324. Chuyển bằng tàu hỏa, dọc đường xóc nảy, các bộ phận sẽ bị bóp méo ít nhiều, chưa kể ốc vít có thể bị rơi ra, độ an toàn để bay lại rất khó, chỉ có thể làm triển lãm thôi. Vậy là mấy anh em lại tìm cách sửa chữa”, ông Sủng cho hay.

Mỗi máy bay đều có một lý lịch rất tỉ mỉ rõ ràng.
Mỗi máy bay đều có một lý lịch rất tỉ mỉ rõ ràng.

Sau buổi cơm trưa, ông Sủng cùng ông Trần Sỹ Hòa không ngủ mà ra khu vực đỗ máy bay xem xét. Hai người bàn nhau kiểm tra lần nữa, thử khởi động máy thì phát hiện mạch điện bị tắc, lần mò gỡ bó dây điện các loại trong động cơ thì phát hiện một đôi dây có vấn đề. Họ đành liều nối thông qua cầu chì rồi khởi động vài lần, chiếc MIG lại nổ vang rền.

Sau cuộc đại tu, chiếc MIG hoạt động trở lại. Đoàn công tác gọi điện về Việt Nam xin ngừng vận chuyển bằng tàu hỏa và phi công của trung đoàn trực tiếp lái về. Lúc trở về, MIG 4324 còn mang theo 4 quả tên lửa K5 loại hiện đại thời đó và hạ cánh an toàn ở sân bay Yên Bái.

Sau thời gian dài chiến đấu, 4324 được đưa về làm nhiệm vụ huấn luyện tại trung đoàn. Tháng 12/1974, máy bay được đưa từ sân bay Bạch Mai về bảo tàng để trưng bày. Để máy bay thuận lợi đi qua những phố phường Hà Nội, trung đoàn phải tháo rời hai cánh, phần đuôi và động cơ rồi cho lên xe chuyên dụng vận chuyển. Đại đội kỹ thuật 14 của trung đoàn lại nhận nhiệm vụ lắp ráp nguyên trạng để trưng bày. Từ đó đến nay, chiếc 4324 nằm trong bảo tàng, chứng kiến nhiều sự đổi thay của Thủ đô hơn 40 năm qua.

MIG 21 F96, số hiệu 5121 gắn liền với tên tuổi anh hùng phi công Phạm Tuân.
MIG 21 F96, số hiệu 5121 gắn liền với tên tuổi anh hùng phi công Phạm Tuân.

Xuất kích tiêu diệt pháo đài bay B52

Trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, máy bay MIG 21 F96, số hiệu 5121 của Không quân Việt Nam đã bắn rơi 5 máy bay đối thủ. Đây chưa phải là chiến công xuất sắc nhất, nhưng thời điểm lập công là nhạy cảm và kịp thời nhất, giúp đánh bại ý chí xâm lăng của kẻ thù.

Theo tài liệu Bảo vật lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thì chiếc MIG 21 F96 được Liên Xô sản xuất vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến tháng 7/1972, máy bay này được viện trợ cho Việt Nam. Ngay sau khi tiếp nhận, đến đêm 27/12/1972 máy bay dưới sự điều khiển của Anh hùng Phạm Tuân đã luồn lách qua hàng chục chiếc F111 hiện đại của Mỹ để bắn tan pháo đài bay B52 trên bầu trời Hà Nội.

Sự kiện này được ghi chép rất chi tiết như sau: Từ chiều ngày 27/12, Trung đoàn 921 thuộc sư đoàn 371 không quân đã được lệnh bí mật điều động MIG 21 F96 từ sân bay Nội Bài lên sân bay Yên Bái. 20 giờ 22 phút ngày 27/12 sau khi phát hiện tốp B52 có phi đội tiêm kích không đối không F4 bảo vệ, phi công Phạm Tuân được lệnh xuất kích với quyết tâm phải bắn rơi siêu pháo đài bay B52, đánh nhụt ý chí tiến công của địch.

Với sự dẫn đường của các đài radar mặt đất, khi còn cách mục tiêu 40km, Phạm Tuân xin lệnh thả thùng dầu phụ để giảm trọng lượng máy bay, bật tăng lực lái máy bay vọt lên độ cao ngang với đội hình pháo đài bay B52. Tại độ cao này, Phạm Tuân phát hiện hai chiếc B52 bay song song cách nhau 2 – 3km. Phạm Tuân điều khiển máy bay lách vào giữa, bình tĩnh kiểm tra lại công tắc, điều chỉnh đường ngắm và bắn liền hai quả tên lửa K13.

Loạt pháo đài bay và “thần sấm” của Không lực Hoa Kỳ bị MIG 4324 và 5121 tiêu diệt.
Loạt pháo đài bay và “thần sấm” của Không lực Hoa Kỳ bị MIG 4324 và 5121 tiêu diệt.

Ngay sau khi hai quả tên lửa được phóng đi, trạm radar mặt đất đã reo hò khi phát hiện quầng sáng cực lớn phát ra. Một chiếc B52 bị tiêu diệt, Phạm Tuân điều khiển máy bay lộn nhào qua bên trái, tắt tăng lực rồi thoát ly an toàn xuống sân bay Yên Bái.

Ngay trong đêm ngày 27/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi lời khen bộ đội không quân lập công xuất sắc. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 30/12/1972, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, tính từ vĩ tuyền 20 trở ra và phải hội đàm với Chính phủ Việt Nam tại Paris về việc chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng của Mỹ bị thất bại hoàn toàn.

Sau thời gian dài tham chiến, MIG 21 F96 được đưa về Nha Trang làm công tác huấn luyện. Đến năm 2007 máy bay được đưa về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu trữ để mọi người được chiêm ngắm huyền thoại trên bầu trời Việt Nam, tôn vinh tự hào một thời máu lửa.

Năm 2012, MIG 21 F96 số hiệu 5121 chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Sự kiện này đặt trách nhiệm của đội ngũ bảo quản nặng nề hơn. Theo cán bộ Phòng Kiểm kê Bảo quản, việc bảo vệ nguyên trạng hiện vật chiến tranh rất phức tạp, yêu cầu sự kết hợp của nhiều đơn vị, quân binh chủng khác nhau. Từng số seri, vết đạn, dòng chữ nhỏ, màu sơn... phải bảo vệ toàn vẹn. Thời gian bảo dưỡng, sửa chữa hiện vật được tiến hành 5 năm 1 lần, mỗi lần kéo dài cả tháng trời và quy tập đội ngũ gồm thợ điện, cơ khí, sơn, họa sĩ, thợ nguội.

MIG 5121 có tốc độ gấp 2 lần vận tốc âm thanh. Trong thời gian tham gia chiến đấu, các phi công lái chiếc máy bay này đã bắn rơi 5 máy bay địch. Chiến công này được ghi dấu bằng 5 ngôi sao in trên phần mũi cạnh buồng lái của phi công. Còn chiếc MIG 4324, riêng trong năm 1967 đã hạ 14 máy bay Mỹ, trong đó có F105 và F4 – vốn là những “thần sấm” của Không lực Hoa Kỳ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ