Trong vòng 9 năm, Thủ tướng Chính phủ đã 9 lần ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia với 215 hiện vật. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa.
Đợt 9 với 24 hiện vật được công nhận, trong đó có 2 hiện vật cực độc đáo được dư luận cũng như giới khảo cổ quan tâm là tượng Ganesha và tượng Gajasimha đang được lưu giữ trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Điều thú vị mà ít người biết, là cả 2 bảo vật này đều từng “xuất ngoại”, được các bảo tàng danh tiếng thế giới mượn trưng bày trong các cuộc triển lãm quy mô.
Tuy nhiên, số phận 2 bảo vật sẽ thế nào nếu những năm 1903 và 1933 không được phát hiện bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ? Rất có thể, bảo vật đã trôi lạc đến phương trời xa xôi hoặc thành sở hữu tư nhân. Tệ hơn có thể đã thành phế tích, không ai biết tới.
Trước khi thành bảo vật quốc gia, mỗi cổ vật đều có đời sống riêng với những câu chuyện lịch sử phản ánh bao quát cả một thời đại. Trong hàng triệu cổ vật, không ngẫu nhiên mà 215 hiện vật được nâng hàng bảo vật. Với tiêu chí xét hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo; có giá trị đặc biệt đến sự kiện trọng đại của đất nước, sự nghiệp của anh hùng; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng - nhân văn - thẩm mỹ tiêu biểu cho thời đại… thì cách ứng xử của chúng ta với bảo vật cũng phải thật đặc biệt.
Tuy nhiên, thực tế lại khác. Năm 2019, nhiều người không khỏi xót xa khi nghe tin bảo vật quốc gia - tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí, lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM bị hư hại không thể khôi phục nguyên trạng.
Lý do được xác định là do vệ sinh không đúng cách đã khiến hỏng tác phẩm. Ngay cả khi được lưu giữ trong bảo tàng hạng I thì bảo vật quốc gia vẫn có thể bị tổn hại do yếu tố con người. Còn đối với các bảo tàng địa phương đang lưu giữ bảo vật, thì không biết hậu quả sẽ thế nào?
Tình trạng “làm sạch” bảo vật bằng cách cọ rửa, hay để bảo vật lăn lóc không còn là chuyện hiếm đối với ngành bảo tàng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một vế bất cập trong phương án bảo tồn, chứ chưa nói đến chức năng phải phát huy các giá trị của bảo vật.
“Áo gấm đi đêm” là thành ngữ được giới chuyên môn thường dùng khi ví những bảo vật quốc gia bị “nhốt” trong kho. Khi đón Quyết định, địa phương linh đình tổ chức, xong xuôi bảo vật lại về kho, khóa cửa để kẻ trộm khỏi nhòm ngó. Có bảo vật còn bị địa phương xích bằng xích sắt, rất khó hiểu.
Bảo vật quốc gia không chỉ là “kho vàng” của đất nước, đó còn là kho giá trị văn hóa cần triệt để quảng bá để phát huy giá trị. Bảo vật không thể bị “nhốt” vào kho, cũng không thể ứng xử với bảo vật như cổ vật thông thường. Các nhà hoạch định chính sách trong công tác bảo tồn – bảo tàng nên có kế hoạch và tầm nhìn để hiện vật lan tỏa giá trị - xứng tầm là bảo vật quốc gia.