Quảng Bình cần làm gì để phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

GD&TĐ - Quảng Bình có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn, khác biệt, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống “Vương quốc hang động” đẹp nổi tiếng trên thế giới. Đây chính là "mỏ vàng" để tỉnh Quảng Bình phát triển du lịch. (Ảnh: Oxalis cung cấp).
Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống “Vương quốc hang động” đẹp nổi tiếng trên thế giới. Đây chính là "mỏ vàng" để tỉnh Quảng Bình phát triển du lịch. (Ảnh: Oxalis cung cấp).

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua Nghị quyết đưa du lịch Quảng Bình phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Vậy tỉnh Quảng Bình cần làm gì để biến lợi thế, tiềm năng về “viên ngọc thô” trở thành “viên kim cương xanh” trên bản đồ du lịch thế giới? Hãy lắng nghe các chuyên gia hiến kế, giúp Quảng Bình phát triển ngành Du lịch.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch:

TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để trở thành điểm đến trọng điểm, ngành Du lịch Quảng Bình cần phải có 3 yếu tố: Tính hấp dẫn, tiện nghi và dịch vụ, khả năng tiếp cận (giao thông, hạ tầng).

Quảng Bình cần làm gì để phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 1
"Hòn ngọc" bán đảo Bảo Ninh, TP Đồng Hới nhìn từ trên cao. (Ảnh: Lê Đức Thành).

Theo đó, Quảng Bình cần tập trung vào những thế mạnh nổi bật để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ khác biệt, chất lượng, đẳng cấp quốc tế như Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống “Vương quốc hang động” đẹp nổi tiếng trên thế giới và hệ đa dạng sinh học cao; các bãi biển đẹp còn hoang sơ như Nhật Lệ, Đá Nhảy; các dòng sông đẹp như sông Nhật Lệ; sông Gianh; Vũng Chùa - Đảo Yến, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các di tích chiến tranh, di tích lịch sử...

Bên cạnh đó, Quảng Bình cần phải đón đầu xu hướng du lịch mới, hướng về thiên nhiên, thân thiện với môi trường, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, không phát triển kiểu đại trà. Tức là phải xác định Quảng Bình là “điểm đến của thiên nhiên hoang sơ, thân thiện môi trường và đẳng cấp”. Chẳng hạn, các bãi biển phải quy hoạch làm sao để giữ được nét hoang sơ tự nhiên, tạo sự khác biệt so với các bãi biển khác. Như vậy, khách du lịch mới có cảm nhận Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn với thiên nhiên hoang sơ.

Hệ thống hang động đẹp lộng lẫy chính là "mỏ vàng" để Quảng Bình đầu tư, khai thác và phát triển ngành Du lịch. (Ảnh: Ryan Dboobt).
Hệ thống hang động đẹp lộng lẫy chính là "mỏ vàng" để Quảng Bình đầu tư, khai thác và phát triển ngành Du lịch. (Ảnh: Ryan Dboobt).

Muốn làm được điều đó, trước hết Quảng Bình cần phải tập trung xây dựng hệ thống “hạ tầng xanh” đầu tư theo triết lý “tôn trọng môi trường”, lấy môi trường làm trung tâm, hạ tầng thân thiện với môi trường làm tôn thêm vẻ đẹp thiên nhiên và gìn giữ được kiến trúc, văn hóa truyền thống bản địa.

Còn riêng thành phố Đồng Hới, muốn giữ chân được du khách, thì tỉnh cần đầu tư phát triển nhiều resort đẳng cấp, khách sạn nhiều sao, đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú cho du khách. Đối với nguồn nhân lực cho cơ sở lưu trú, phải đáp ứng nhu cầu chất lượng cao…

Một khu Resort VIP nằm trên tọa lạc bán đảo Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) do một Tập đoàn quốc tế quản lý dự kiến sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2023.
Một khu Resort VIP nằm trên tọa lạc bán đảo Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) do một Tập đoàn quốc tế quản lý dự kiến sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2023.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Quảng Bình có tiềm năng lớn và được xác định nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Bởi vậy, Quảng Bình cần phải xây dựng và sớm ban hành những cơ chế ưu đãi, khuyến khích hơn dành cho các dự án đầu tư du lịch (như ưu đãi về thuế, hỗ trợ thủ tục đầu tư, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…).

Tỉnh cũng cần có những cơ chế đặc biệt cho những dự án du lịch quy mô lớn, khu điểm du lịch đa dịch vụ - đa trải nghiệm, dự án khu lưu trú hạng sang, hay các khu vui chơi giải trí – trung tâm thương mại... Đồng thời có cơ chế hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để nâng cao sinh kế và chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình cũng đã kêu gọi, thu hút đầu tư nhiều cơ sở lưu trú đẳng cấp để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. (Ảnh: Sở KH&ĐT cung cấp).
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình cũng đã kêu gọi, thu hút đầu tư nhiều cơ sở lưu trú đẳng cấp để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. (Ảnh: Sở KH&ĐT cung cấp).

Bên cạnh đó, công khai các chính sách thu hút đầu tư chung và riêng, danh mục thu hút đầu tư du lịch cũng như các thủ tục để nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, xúc tiến đầu tư.

Ngoài ra, dành nguồn lực ngân sách tỉnh và đề xuất nguồn ngân sách từ Trung ương để nâng cấp, hoàn thiện tính kết nối hạ tầng đường bộ, đường biển, đường không và hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch nội tỉnh và với các tỉnh khác trong vùng.

Quảng Bình là địa phương được thiên nhiên ban tặng cho nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch. (Ảnh: Sở KH&ĐT cung cấp).
Quảng Bình là địa phương được thiên nhiên ban tặng cho nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch. (Ảnh: Sở KH&ĐT cung cấp).

Hơn nữa, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình thông qua các chương trình kết nối, các chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh đến các địa phương trong nước và quốc tế…

KTS. Trần Ngọc Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam:

Để ngành Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Bình cần đảm bảo tính hiệu quả và bền vững, công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cần có tầm nhìn xa hơn và có những giải pháp đột phá. Đó là xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải gắn với phát triển du lịch, dựa vào các cụm du lịch đã được quy hoạch. Hiện đại hóa mạng lưới giao thông công cộng tại các khu, điểm du lịch; nâng cao chất lượng các loại hình vận tải, mở rộng một số đường bay quốc tế để phát triển du lịch.

Quảng Bình cần làm gì để phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 6
Muốn phát triển ngành Du lịch một cách mạnh mẽ, Quảng Bình cần phải đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Đồng Hới, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ. (Ảnh: Internet).

Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Đồng Hới; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển tại khu vực Hòn La, cảng Gianh và hệ thống bến thuyền du lịch sông Gianh và sông Nhật Lệ. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu vực thuộc quy hoạch Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các khu vực có tiềm năng du lịch…

Bên cạnh đó cần có hành lang pháp lý, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch nhất là hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại cao cấp. Điều chỉnh quy hoạch, phát triển thêm các điểm, vùng du lịch sinh thái, đảm bảo đủ và có chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủy sản phục vụ tốt nhu cầu khách du lịch, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển các làng nghề theo hướng liên kết phát triển du lịch, phát triển các mô hình “homestay và farmstay” trong một số làng nghề truyền thống điển hình nhằm tạo nên sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến tham quan, lưu trú.

Một cơ sở lưu trú tại huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình được đầu tư xây dựng bên triền núi, rất thân thiện với môi trường. (Ảnh: Oxalis cung cấp).
Một cơ sở lưu trú tại huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình được đầu tư xây dựng bên triền núi, rất thân thiện với môi trường. (Ảnh: Oxalis cung cấp).

Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương nằm trên tuyến hành lang du lịch, xem xét cải cách thủ tục hành chính xuất nhập cảnh, tạo điều kiện cho du khách quốc tế từ Lào, Thái Lan, Myanmar có điều kiện thuận lợi nhất đến Quảng Bình và ngược lại. Nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết hiện tại, như: mô hình 4 tỉnh “Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa”, mô hình 3 tỉnh “Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”.

Tiếp đến, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch; xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia:

Tỉnh Quảng Bình cần phải phát triển, hoàn thiện cả hạ tầng “cứng” lẫn hạ tầng “mềm” để trở thành điểm đến du lịch toàn cầu. Theo đó, về hạ tầng “cứng”, tỉnh phải thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng. Trong đó, phải thu hút được những nhà đầu tư lớn – những con “sếu đầu đàn”. Sự hấp dẫn của thị trường du lịch chỉ được tạo dựng từ bước chân của những con “sếu đầu đàn”, từ đó tạo sức lan toả không chỉ cho thị trường du lịch mà còn cơ hội cả thị trường bất động sản sôi động. Đồng thời cần tránh tình trạng cấp phép ồ ạt các dự án, đặc biệt là các dự án có quy mô nhỏ lẻ nhưng không dự báo, tính toán kỹ về quy hoạch, nhu cầu sử dụng dẫn đến thiếu hiệu quả.

Suối Mọoc thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước những năm qua.
Suối Mọoc thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước những năm qua.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng “mềm” và chuyển đổi số ngành Du lịch. Hạ tầng “mềm”, trong đó nguồn nhân lực và quản trị du lịch mới là thách thức lớn nhất của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Việc đầu tư đào tạo những người làm du lịch chuyên nghiệp khó hơn nhiều so với việc đầu tư xây dựng cơ sở du lịch. Hướng tới du lịch đẳng cấp cao, thì nguồn nhân lực chất lượng cao càng là một thách thức lớn hơn.

“Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tập trung huy động các nguồn lực của ngân sách nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Tỉnh cũng luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch thực hiện các dự án đầu tư và phát triển các hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có bề dày hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Bình”, ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ