Là một phần lãnh thổ hải ngoại của Pháp ngoài Thái Bình Dương, Caledonia có hệ sinh thái khổng lồ và là nhà của 2,5 triệu loài chim biển cũng như hơn 9.300 loài sinh vật biển, với các loài đặc trưng như bò biển, lợn biển, rùa biển xanh phát triển mạnh mẽ xung quanh các khu vực hẻo lánh ngoài bờ biển của quốc đảo.
Niềm tự hào của quần đảo nằm ở một số rặng san hô khỏe mạnh nhất thế giới, bao gồm Astrolabe, Petrie, Chesterfield và Bellona - những ví dụ đặc biệt về hệ sinh thái san hô.
Sau nhiều năm đưa ra bàn thảo, Chính phủ New Caledonia đã bỏ phiếu để thiết lập các khu bảo tồn mới xung quanh các rạn san hô và củng cố, nâng cấp khu vực bảo tồn xung quanh Entrecasteaux - di sản thế giới công nhận bởi UNESCO. Động thái này sẽ bảo vệ 28.000 km vuông ngoài khơi khỏi các hoạt động đánh cá thương mại, công nghiệp và khai thác khác, bảo tồn môi trường sống và cho phép các loài sinh vật biển kiếm ăn và sinh đẻ không bị ảnh hưởng.
Hoạt động du lịch quanh các rạn san hô cũng được thiết lập kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo Tổ chức Du lịch Nam Thái Bình Dương, New Caledonia có khoảng 27.000 lượt khách trong 3 tháng đầu năm, chiếm khoảng 6% trong tổng số các chuyến du lịch tới khu vực Nam Thái Bình Dương.
John Tanzer, người đứng đầu mảng đại dương của tổ chức WWF quốc tế trao đổi: “Đây chính là lãnh đạo chúng ta cần để có thể bảo tồn các rạn san hô và chúng tôi tuyên dương điều này. Với quản lý tốt, các khu vực bảo tồn này sẽ giúp duy trì quần thể cá và sức khỏe của hệ sinh thái, tăng khả năng chống chịu của rạn san hô trước biến đổi khí hậu trong tương lai”.
Christophe Chevillon, người đứng đầu tổ chức bảo tồn Pew Bertarelli Ocean Legacy tại New Caledonia và có công trong việc soạn thảo kế hoạch cho biết động thái này sẽ nâng cao quốc gia lên làm nước đi đầu trong hoạt động bảo vệ đại dương nhưng vẫn còn có nhiều việc có thể thực hiện.
Các khu vực bảo tồn trên biển (MPA) chỉ nằm trong 1,3 triệu km vuông diện tích của Công viên tự nhiên của Biển Coral, được thành lập vào năm 2014 và bao phủ toàn bộ khu vực kinh tế độc quyền của Caledonia.
Các biện pháp bảo vệ ở đây bao gồm hạn chế tàu thuyền, cấm đánh bắt cá mập, cá voi, rùa không toàn diện như trong khu vực bảo tồn trên biển.
Các rạn san hô chỉ chiếm 0,1% bề mặt đại dương nhưng hỗ trợ sinh tồn cho 1/4 các loài sinh vật biển đã được biết đến. Tuy nhiên, chúng đang trên đà suy giảm khắp toàn cầu bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm và đánh bắt quá mức.
WWF ước tính, thế giới cho tới nay đã mất đi khoảng 1/2 các rạn san hô nước cạn từng có.