Bảo tàng Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long quy mô thế nào?

Bảo tàng Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long quy mô thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời vừa có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đơn vị chủ trì là UBND tỉnh Vĩnh Long, đơn vị phối hợp là UBND tỉnh, thành ĐBSCL, Trường ĐH Kiến trúc TPHCM và Trường ĐH Cần Thơ. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, khu đất dự kiến xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL tọa lạc tại ấp Rạch Trúc, Thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Tổng diện tích đất dự kiến cho bảo tàng là 11,4 ha, trong đó diện tích khu đất đã được bồi hoàn khoảng 3,44 ha, diện tích còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp (vườn, ruộng) nên chi phí bồi hoàn không lớn.

Khuôn viên Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được chia thành 4 khu. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án 400 tỷ đồng. Kinh phí bảo đảm cho đầu tư ban đầu và thường xuyên cho Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Trong đó, ngân sách nhà nước, gồm ngân sách Trung ương (Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có danh mục kèm theo xác định dự án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là dự án do Trung ương ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2030).

Ngân sách tỉnh gồm nguồn xã hội hóa (hiện đã có công ty Vincom cam kết tài trợ). Nguồn từ các dự án tài trợ của Trường ĐH Cần Thơ. Nguồn từ Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL. Nguồn thu từ các hoạt động khai thác các dịch vụ tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Tiến độ thực hiện, giai đoạn 1 hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý (đến năm 2021). Giai đoạn 2 sưu tầm, thiết kế và thi công cơ sở hạ tầng (2022 - 2026). Giai đoạn 3 hoàn thiện đề án, khai thác và sử dụng (năm 2027).

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, mục tiêu của Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL là tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy được những giá trị của di sản văn hóa nông nghiệp ở ĐBSCL.

Phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hoá của công chúng và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL. Tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có vai trò to lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bảo tồn các di sản văn hóa nông nghiệp (vật thể và phi vật thể) ở ĐBSCL, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với quê hương, đất nước. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.