Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của thầy giáo 8x Nguyễn Văn Điệp.
Sinh năm 1985 tại xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam), anh Điệp đã có hơn 10 năm sưu tầm kỷ vật của thời kỳ kháng chiến. Trong căn nhà nhỏ của anh, những kỷ vật được gìn giữ cẩn thận, ghi dấu một thời bom đạn, khói lửa hào hùng của dân tộc.
Chiến tranh trong mắt người trẻ
Gặp anh Điệp tại bảo tàng tư gia khi anh vừa đi lấy khẩu đại liên thời chống Mỹ của một bác cựu chiến binh tặng. Anh bảo: “Hôm nay vui lắm, được tặng khẩu súng này và có cả vài bác cựu chiến binh nữa hứa tặng di vật của đồng đội nữa mà chưa có thời gian đi lấy”.
Hơn 10 năm sưu tầm, hiện tại, tư gia của anh Điệp có khoảng 700 kỷ vật chiến tranh. |
“Không trải qua chiến tranh và cũng không đi bộ đội, nhưng với tôi, những kỷ vật của thời kỳ đó như là một dấu tích, bằng chứng để mình có thể hiểu và cảm nhận một phần nào đó vê chiến tranh, về những mất mát, hy sinh mà dân tộc đã trải qua" - Anh Điệp chia sẻ.
Khẩu đại liên thời chống Mỹ được bác Thượng tặng. |
Những quả đạn cối của pháo cao xạ 105mm, 82mm, 37mm. |
Trong bảo tàng của anh Điệp còn có khoảng 30 bộ dây súng, đó là những di vật còn lại của những người lính của một tiểu đoàn đã hy sinh.
Những người đồng đội chỉ kịp mang được dây súng trở về. Phải mất rất nhiều công sức anh mới có thể xin được những kỷ vật vô giá ấy, bởi mỗi dây súng là một người lính đã hy sinh.
Sưu tầm kỷ vật để “cho mượn”
“Mình hay cho các trường tiểu học quanh đây mượn đổ để về giảng dạy. Những bài học nào có liên quan đến hiện vật thời chiến mà mình có thì các thầy cô khác đều đến mượn. Ví dụ như dạy về ba lô của chú bộ đội thì mình cho mượn ba lô, có khi tự mình chở đến xong lại đến lấy” - Anh Điệp cho biết.
Chiếc mũ được anh Điệp mua ở Quảng Trị với giá 2 triệu đồng. |
Ngoài những kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ngôi nhà nhỏ của anh còn có nhiều hiện vật từ thời phong kiến có niên đại hàng trăm năm trước.
Có cả những chiếc bi-đông xe đạp, bát săt, ba lô, đèn măng-xông của thời chống Trung Quốc năm 1979, hay những giấy tờ, tem, phiếu thời bao cấp…
Anh Điệp bảo muốn mở một quán cà phê lính để trưng bày những kỷ vật này lắm nhưng chưa có điều kiện, bởi anh không đành lòng nhìn những di vật vô giá của một thời hào hùng chỉ có thể… nằm trong tủ.