Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định: Nơi lưu giữ khoảnh khắc hào hùng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định mới được chính thức mở cửa từ 27/8 và thu hút khách tham quan.

Căn nhà bảo tàng được giữ nguyên kiến trúc xây dựng từ 1963. Ảnh: NVCC
Căn nhà bảo tàng được giữ nguyên kiến trúc xây dựng từ 1963. Ảnh: NVCC

Hơn 40 năm qua, con trai của một chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã cần mẫn phục dựng các hiện vật, mua lại các căn nhà là di tích của lực lượng đặc biệt này, để hình thành Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Bảo tàng mới được chính thức mở cửa từ 27/8 và thu hút khách tham quan.

Đặc biệt và duy nhất

Bảo tàng Biệt Động Sài Gòn - Gia Định được đặt tại căn nhà số 145 Trần Quang Khải, Quận 1 là cơ sở bí mật của biệt động Sài Gòn. Ông Trần Vũ Bình và gia đình đã giữ nguyên kiến trúc ngôi nhà được xây dựng từ năm 1963 để tái hiện khung cảnh của thời điểm lịch sử những năm 1960.

Theo ông Bình, mỗi ngày bảo tàng đón khoảng 100 – 150 lượt khách theo đoàn. Bảo tàng mở cửa từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ mỗi ngày, kể cả thứ 7 và Chủ nhật và linh hoạt mở cửa khi có khách tham quan.

“Khi tìm mua và hiến tặng nhà cho bảo tàng có nghĩa là gia đình chúng tôi đã không còn có quyền lợi gì, từ vay, thế chấp, cho tặng. Nhưng đó là tâm huyết cả cuộc đời tôi. Sự cho đi là để những di sản này còn được bảo tồn cho thế hệ sau. Đó cũng là tinh thần của lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa: “Thi ân bất cầu báo” – cho đi mà không cần đòi hỏi hay nhận lại quyền lợi gì”.

Ông Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng Trần Văn Lai, chiến sĩ biệt động Sài Gòn

Đi qua hành lang ngắn và hẹp, du khách sẽ qua một cánh cửa sắt để vào thang máy cổ lên lầu 1 – nơi đang trưng bày các hiện vật tiêu biểu cho lực lượng biệt động Sài Gòn. Thang máy được bao bọc bằng 2 tấm cửa gỗ, bên trong trang trí những họa tiết cách đây hàng chục năm. Đây là chiếc thang máy có từ thời Pháp thuộc, được xem là cổ nhất và duy nhất đang còn được sử dụng.

Bảo tàng chia thành 4 khu vực chính, gồm: Khu vực trưng bày hiện vật về công cụ làm việc và phương tiện phục vụ quá trình đi lại, giao liên của lực lượng biệt động Sài Gòn. Màn hình thông minh cũng được đặt tại đây để du khách dễ dàng tra cứu lịch sử các trận đánh.

Khu vực trưng bày các hiện vật gồm: Vũ khí chiến đấu trong nội thành, thiết bị thông tin liên lạc... và cùng với đó là các vật dụng sinh hoạt hàng ngày của các chiến sĩ biệt động. Khu vực phòng trà tương tác có kết hợp với kính thực tế ảo để khách tham quan trải nghiệm.

Khu vực trưng bày hình ảnh của các cán bộ lãnh đạo Bộ chỉ huy Miền, lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Bộ chỉ huy Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các cán bộ chiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thuộc lực lượng biệt động từ kháng chiến chống Pháp cho đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tại bảo tàng, lịch sử của biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện lên sống động qua lược đồ trên tấm bản đồ tái hiện hình ảnh tổng quan về mạng lưới và cách thức hoạt động đầy bí ẩn như hệ thống các hầm chứa vũ khí, ém quân xây ngay trong lòng địch phục vụ các trận đánh huyền thoại của biệt động giữa lòng Sài Gòn, trong đó có Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Một bức tường tưởng niệm cũng được xây dựng trang trọng trong không gian ấm cúng của bảo tàng.

Nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) cho biết, đến với bảo tàng, bà được gặp lại đồng đội xưa qua các hiện vật, hình ảnh. Bà xúc động khi xem lại hình ảnh các đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968.

“Đó cũng là lần đầu tiên tôi cầm súng chiến đấu bên cạnh các đồng đội. Tôi còn thấy được cả những cây súng mà chúng tôi từng sử dụng cho trận đánh năm đó. Bởi vậy, bảo tàng sẽ giúp giáo dục lòng yêu nước, với tinh thần dũng cảm của chiến sĩ biệt động - lực lượng đã đánh những trận xuất quỷ nhập thần, mặt đối mặt với kẻ thù”, bà Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, cho biết, biệt động Sài Gòn là lực lượng vũ trang đặc biệt, trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Lực lượng này tác chiến ở chiến trường đặc biệt (nội đô) với thành phần đặc biệt (nhiều độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp khác nhau). Họ là lực lượng vũ trang nhưng sau một trận đánh lại trở về với cuộc sống như một người bình thường. Đây là sự phát huy đến mức cao nhất của nghệ thuật chiến tranh nhân dân.

Nhưng cũng vì tính chất quá đặc biệt nên sau mỗi trận đánh, mọi dấu vết đều bị xóa sạch. Do vậy, việc tìm kiếm và phục dựng lại các kỷ vật trở thành công việc rất khó khăn cho những người muốn lưu giữ những dấu vết lịch sử.

“Ông Trần Vũ Bình đã âm thầm tìm kiếm, chuộc lại và phục dựng những căn nhà, hầm hào từng ghi dấu quá trình chiến đấu kiên cường, gian khổ và anh dũng của cha anh, của lực lượng biệt động thành đã ghi những chiến công đi vào huyền thoại, góp phần quan trọng trong sự nghiệp lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.

Việc phục dựng các di tích lịch sử này đã góp phần làm cho các địa chỉ đỏ của TP Hồ Chí Minh nói riêng sống động, đa dạng, gần gũi với người dân hơn”, ông Nguyễn Quốc Độ cho biết.

Bộ dụng cụ làm nghề mộc phục vụ cho công việc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập của ông Lai. Ảnh: Hiếu Hiền

Bộ dụng cụ làm nghề mộc phục vụ cho công việc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập của ông Lai. Ảnh: Hiếu Hiền

Ông Trần Vũ Bình và bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Ảnh: A.T

Ông Trần Vũ Bình và bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Ảnh: A.T

Phục dựng chuỗi di tích

Trước năm 1975, căn nhà số 145 Trần Quang Khải là cơ sở của nghiệp đoàn đóng mới, sửa chữa xích lô, và nghiệp đoàn trang trí nội thất do ông Mai Hồng Quế (Anh hùng Trần Văn Lai) gầy dựng. Địa điểm này hoạt động với vỏ bọc là cơ sở gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập, cũng là địa điểm phục vụ công tác trao đổi thông tin, tài liệu và đóng góp vật chất, thuốc men… của lực lượng biệt động Sài Gòn.

Sau năm 1975, ông Trần Vũ Bình đã tìm cách mua lại một phần ngôi nhà ngày xưa, gồm tầng trệt, tầng hai và tầng ba để xây dựng bảo tàng. Căn nhà được giữ nguyên kiến trúc từ thời điểm xây dựng vào năm 1963, di chuyển bằng thang máy cổ.

Ngoài di tích tại số 145 Trần Quang Khải, bảo tàng còn gắn với một chuỗi di tích lịch sử của lực lượng biệt động Sài Gòn, gồm: Di tích hầm chứa vũ khí bí mật và hầm ém quân (đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3). Đây là hệ thống hầm bí mật tồn tại ngay giữa lòng thành phố, từng cất giữ hơn 2 tấn vũ khí và chứa ém Đội 5 biệt động phục vụ cho cuộc tấn công Dinh Độc Lập, chi viện vũ khí phục vụ cho các trận đánh khác trong chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968 của biệt động Sài Gòn.

Những vũ khí, súng đạn của chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Ảnh: Hiếu Hiền

Những vũ khí, súng đạn của chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Ảnh: Hiếu Hiền

Nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa - một trong những cán bộ chiến sĩ biệt động còn sống sau chiến dịch Mậu Thân 1968 tại hầm vũ khí bí mật của Anh hùng Trần Văn Lai. Ảnh: NVCC

Nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa - một trong những cán bộ chiến sĩ biệt động còn sống sau chiến dịch Mậu Thân 1968 tại hầm vũ khí bí mật của Anh hùng Trần Văn Lai. Ảnh: NVCC

Hộp thư bí mật và hầm nổi của biệt động Sài Gòn (113A - Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1). Mang vỏ bọc là quán cơm tấm Đại Hàn, trong suốt thời gian dài, đây là điểm đi - về bí mật của ông Trần Văn Lai, có 2 hầm nổi, là nơi hội họp giao công việc, đại hội thợ thuyền, chuyển giao các thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây từ đầu mối là ông Lai ra chiến khu và qua đường các nước bạn.

Hầm Tư lệnh Trần Hải Phụng (Ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi), hiệu vàng lá Vĩnh Xuân - Phú Xuân (368 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, Quận 1) là cơ sở giao liên - tình báo, che giấu lực lượng Việt Minh cứu quốc, đóng góp tiền vàng, vật lực cho chiến khu.

Biệt thự hầm số 8 Nguyễn Thị Huỳnh (Phường 8, quận Phú Nhuận) là nơi Nghiệp đoàn Mai Hồng Quế thi công, sản xuất nội thất cho Dinh Độc Lập; cũng là nơi giải cứu hai anh hùng tử tù Côn Đảo Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc ra chiến khu an toàn. Garage Biệt động Sài Gòn (499/20 Cách Mạng Tháng 8, Phường 13, Quận 10) là cơ sở bảo vệ, chăm sóc cán bộ Đảng, cán bộ cấp cao của Quân khu Sài Gòn - Gia Định, cán bộ vào Sài Gòn hội họp, chiến đấu; bảo vệ các đồng chí giao liên, vận chuyển vũ khí; là cơ sở làm xe hai đáy vận chuyển vũ khí.

Ông Trần Vũ Bình cho biết, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đang trong quá trình phục dựng chuỗi các di tích của biệt động Sài Gòn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, ngoài 7 điểm đang hoạt động nêu trên, trong năm 2023 sẽ ra mắt thêm 3 địa điểm khác, nâng số lượng các di tích của biệt động Sài Gòn lên gần 10 điểm cũng như sẽ tiếp tục nỗ lực phục dựng nhiều nhất có thể tất cả các di tích còn lại của lực lượng biệt động Sài Gòn.

Máy đánh chữ của văn phòng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, được một người lính Việt Nam Cộng hòa cất giấu sau ngày 30/4/1975. Ảnh: NVCC

Máy đánh chữ của văn phòng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, được một người lính Việt Nam Cộng hòa cất giấu sau ngày 30/4/1975. Ảnh: NVCC

Cho đi để còn mãi

Sự ra đời của bảo tàng dành riêng cho lực lượng biệt động Sài Gòn, theo ông Bình, mang nhiều ý nghĩa, từ lưu giữ, bảo quản các hiện vật cho đến giao lưu với các nhân chứng sống của lực lượng này, giáo dục lịch sử cho học sinh.

“Đối với tôi, đây là việc nên làm, phải làm, trong suốt cuộc đời mình. Càng tìm hiểu về lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa, tôi càng cảm kích sự hy sinh của thế hệ trước. Mà khi đã biết về lịch sử thì trách nhiệm là phải lưu giữ, tái hiện và truyền tải hiểu biết về lịch sử một cách chân xác nhất có thể. Cũng như, với tôi, bảo tàng là nơi để các thế hệ tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập và tự do cho dân tộc”, ông Trần Vũ Bình bày tỏ.

Để thực hiện được mong muốn này, không chỉ ưu đãi giá vé cho học sinh, sinh viên, ông Trần Vũ Bình còn đầu tư công nghệ như dùng kính thực tế ảo, màn hình cảm ứng, quét mã QR gắn trên từng hiện vật. Tại bảo tàng và các điểm di tích lịch sử, người tham quan được phép sờ chạm vào hiện vật, được trải nghiệm trực tiếp như thử làm chiến sĩ biệt động, tham gia giải mật thư, trải nghiệm như một chiến sĩ thực thụ…

Chỉ cần chạm tay vào màn ảnh nhỏ là sẽ hiện ra những thông tin chi tiết về các trận đánh, tiểu sử hoạt động của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn những năm trước 1975. Ảnh: H.T

Chỉ cần chạm tay vào màn ảnh nhỏ là sẽ hiện ra những thông tin chi tiết về các trận đánh, tiểu sử hoạt động của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn những năm trước 1975. Ảnh: H.T

Học sinh tiểu học tại TP Hồ Chí Minh đến Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Ảnh: NVCC

Học sinh tiểu học tại TP Hồ Chí Minh đến Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Ảnh: NVCC

“Bảo tàng đã và sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ, nhất là AI để tái hiện khung cảnh lịch sử chân thật nhất. Sau này, người xem có thể quan sát, thậm chí gặp gỡ cả những nhân vật lịch sử của lực lượng biệt động Sài Gòn trong các khối hình 3D, 4D thậm chí là 5D”, ông Trần Vũ Bình nói.

Để kịp mở cửa đón khách, ông Bình đã phải chạy đua với thời gian, chấp nhận mất ăn, mất ngủ. Khi chính thức mở cửa bảo tàng trong ông đan xen cảm xúc vui – buồn: “Tôi vui vì ước nguyện của mình đã dần đạt được, buồn vì những nhân chứng lịch sử đã không thể chờ tôi thêm được nữa; những thước phim quý giá đã bị mất mát, những hiện vật bị bán không chuộc lại được. Đến giờ phút này, tôi ngỡ rằng mình đang đến đích. Nhưng rồi dần dần tôi nhận thấy, hình như mình đang bắt đầu một hành trình mới, gắn liền với những sự kiện lịch sử ở thành phố này”, ông Trần Vũ Bình chia sẻ.

“Mô hình bảo tàng nằm tại các điểm di tích lịch sử trên thế giới có nước đã làm, nhưng ở Việt Nam rất hiếm, rất khó, phải công phu theo đuổi hàng chục năm mới làm được chuỗi di tích Bảo tàng Biệt động Sài Gòn như hiện nay. Mô hình bảo tàng gắn với di tích là một trong những mô hình giáo dục tốt nhất trên thế giới, đem đến trải nghiệm tham quan và học tập một cách trực quan, sinh động, mỗi di tích đều gắn liền với các nhân vật, câu chuyện, sự kiện quan trọng của lịch sử. Các điểm di tích tuy nhỏ nhưng chính là hiện vật của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, được phục dựng và bảo tồn nguyên vẹn”. Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP Hồ Chí Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.