Buổi lễ công bố thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn- Gia Định diễn ra tại số 145 Trần Quang Khải, quận 1, TPHCM.
Bảo tàng được cấp giấy phép hoạt động vào ngày 21/6/2023 với mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định và của lực lượng vũ trang TPHCM.
Trụ sở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập.
Ngôi nhà này là nơi hoạt động bí mật của biệt động Sài Gòn-Gia Định dưới sự quản lý của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán Dinh Độc Lập).
Những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng. (Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định) |
Bảo tàng trưng bày 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá với hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Nơi đây trưng bày nhiều bộ sưu tập gồm hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; những chiếc xe các chiến sĩ biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; vũ khí; vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn; dụng cụ đồ nghề sản xuất của ông Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán; thiết bị thông tin liên lạc...
Các đại biểu tham gia lễ công bố thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. (Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định) |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là bảo tàng ngoài công lập thứ 6 ở thành phố.
Bảo tàng hiện là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của người dân TPHCM, nhất là các bạn trẻ và du khách nước ngoài.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, sự ra đời của bảo tàng không chỉ là niềm vui của gia đình ông Trần Văn Lai mà còn là niềm vui chung của ngành văn hóa tại thành phố và cả nước.