Di sản ông cha trong bảo tàng của nhà giáo về hưu

GD&TĐ - Sau hơn 10 năm thành lập, Bảo tàng Đồng Quê của vợ chồng cô giáo Ngô Thị Khiếu và Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có tới hàng nghìn hiện vật độc đáo.

Bảo tàng Đồng Quê tái hiện không gian nông thôn xưa.
Bảo tàng Đồng Quê tái hiện không gian nông thôn xưa.

Gửi gắm trong không gian bảo tàng ấy, còn là tình yêu của một nhà giáo muốn để thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về một thời cha ông đã trải qua dưới mái nhà rạ, bên chiếc cối xay hay cái thuyền thúng của ngư dân vùng biển…

Giấu chồng đi mua đồ đồng nát

Đầu năm 2023 tại thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy - Nam Định), Bảo tàng Đồng Quê do Thiếu tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, và vợ là nhà giáo Ngô Thị Khiếu kỷ niệm 10 năm thành lập.

Tham tán Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam - bà Cora Fernandez nêu cảm nhận: “Tại đây tôi thấy được khung cảnh làng quê của Việt Nam, cảm nhận được cái hồn của làng quê Việt Nam như thế nào và hiểu được những truyền thống anh hùng của con người Việt Nam được bồi đắp từ đâu”.

Cũng trong lễ kỷ niệm, chủ nhân bảo tàng – nhà giáo về hưu Ngô Thị Khiếu vui vẻ thông báo rằng, trong 10 năm qua, bảo tàng đã đón hơn 250.000 lượt khách trong và ngoài nước. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2.000 lượt khách, có ngày cao điểm lên đến 500 lượt khách.

Khách đến bảo tàng nhiều nhất là học sinh, sinh viên… Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bảo tàng cố gắng lan toả hơn nữa tinh thần văn hóa và di sản cha ông đến với công chúng yêu mến lịch sử.

Ngược về những năm 1990, thấy mọi người bán đi những chiếc thau đồng, chậu đồng, nồi ba, nồi bảy, mâm đồng, chum, vại… cô giáo Khiếu cảm thấy xót xa. Những vật dụng ấy bán kiểu phế liệu, không ai lưu luyến gì, chẳng khác nào người ta đang rũ bỏ quá khứ.

Vậy là, cô giáo Khiếu giấu chồng mua lại những thứ mà người ta đang cố bỏ đi. Sau nhiều năm, cô Khiếu đã gom được số lượng lớn những hiện vật gắn liền với đời sống người nông thôn.

Cứ mỗi buổi dạy học về, cô giáo lại ngắm nghía những thứ vật dụng ấy. Nhưng càng ngày, những thứ cũ kỹ càng nhiều, xếp đầy trong buồng, gầm cầu thang, gầm giường… khiến cho “bí mật” bị lộ. Thế nhưng may mắn là người chồng không hề phản đối mà lại ủng hộ hết mực.

Cô Khiếu nảy ra ý tưởng mở bảo tàng tại quê hương - một ý tưởng độc đáo nhưng táo bạo. Cô tìm gặp cán bộ xã đề đạt nguyện vọng và được hướng dẫn lập dự án. Sau một thời gian khá dài, và sau nhiều công sức mồ hôi – Bảo tàng Đồng Quê được ra đời trên chính mảnh đất quê hương Bỉnh Di.

Bảo tàng nằm trên khoảng một diện tích khá rộng. Cổng vào được làm theo lối làng quê Bắc Bộ, hai bên cổng dựng mô hình ruộng lúa, ruộng đay, có hình trâu ăn cỏ và tiểu đồng cưỡi trâu, nông dân cày ruộng.

Tiến sâu vào trong là 2 dãy nhà tranh, tái hiện nguyên trạng nhà của bần nông, trung nông thời phong kiến với đầy đủ những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, như chum, vại, cối xay, cối giã gạo, vó bắt cá, thuyền thúng...

Mỗi khu nhà đại diện cho một tầng lớp khác nhau trong xã hội cũ.
Mỗi khu nhà đại diện cho một tầng lớp khác nhau trong xã hội cũ.

Tái hiện không gian xưa

Luyến tiếc về một thời đã qua, lo cho thời mới sắp đến sẽ xóa nhòa tất cả hình ảnh quê mùa nên cô giáo Ngô Thị Khiếu đã phải suy nghĩ rất nhiều về cách bài trí, sắp xếp không gian bảo tàng đúng nghĩa đồng quê.

Ở hai dãy nhà tranh, từ bàn ghế đến cách bài trí đều rất ấn tượng. Dường như không có sự sắp đặt cố tình nên không gượng gạo.

“Tôi đã phải tham vấn ý kiến của rất nhiều người cao tuổi. Họ cho biết về kiến trúc ngôi nhà, những vật dụng sinh hoạt và cả những vật bài trí trên ban thờ xưa”, cô Khiếu cho biết.

Nhà trung nông, đúng như tên gọi của nó - không đến nỗi tuềnh toàng, với 3 gian 2 chái, khung gỗ mái rạ, sân lát gạch đỏ, hè lịa gạch vuông. Thật là, từ vẻ bề ngoài đã thấy khung cảnh ấm êm sung túc, bát ăn bát để. Ở trong nhà, đáng chú ý nhất có lẽ là nơi đặt chạn.

Chạn gỗ 3 tầng, dưới cùng để bát, ngăn giữa để rau, trên cùng đặt thức ăn. Cái chạn này, theo cô Khiếu là đã cũ cổ lắm rồi. Cô phải năn nỉ mãi, người ta mới bán cho với lời giao ước là không được đem bán kiếm lời.

Sang nhà bần nông, quang cảnh như sập xuống. Nhà ba gian thì một gian vách đất, hai gian còn lại khung gỗ mốc khoang xanh. Nhà có hai cửa thấp lè tè, cái hiên cũng thấp chạm sân.

Ở trước nhà, chếch sang hướng Đông là nhà bếp rộng chưa đầy 5m2 toàn bộ là vách đất. Kiềng nấu nướng cũng là ba chân nhưng không phải bằng sắt. Kiềng được thiết kế bằng đất, lửa đốt lên đất chín thành gạch.

Đẹp nhất là nhà địa chủ thiết kế 5 gian, sân rộng, đúng nguyên bản được mua lại từ một gia đình trong xã Giao Thịnh với đầy đủ vật dụng đi kèm: Tủ chè, sập gụ, rương, tráp, tràng kỷ…

Một số vật dụng bắt cá thời xưa.
Một số vật dụng bắt cá thời xưa.

Đến bảo tàng, hẳn nhiều người có tuổi cảm thấy lưu luyến mãi cái không gian xưa cũ. Tất cả ký ức như ùa về với bao thân thương khi người ta tĩnh lặng dưới mái nhà rạ cũ kỹ.

Nhưng đám trẻ con thành phố, qua bảo tàng đồng quê hầu như đều cảm thấy lạ lùng. Chúng ngạc nhiên hỏi bố mẹ: Cái kia là cái gì? Cái kia – đấy chính là những ngôi nhà, gỗ có, đất có, rơm rạ có. Nhưng ở thời này, để tìm ra những ngôi nhà ấy là rất hiếm.

Chính cái không gian làng quê từ thời nảo thời nao dựng ngay giữa một vùng quê đang đà phát triển đã khiến cho bảo tàng như một “vật thể lạ” dưới ánh mắt con trẻ. Nhưng sự lạ lẫm ấy mau chóng tan biến, nhường chỗ cho tính hiếu kỳ để khám phá không gian một thời cha ông đã trải qua.

Hình ảnh những cái cối xay, cối giã gạo, những bũng với dậm bắt cá, những lờ với đó bắt tôm... chưa lúc nào được nâng niu đến thế. Rồi ngay những đẫn tre già đen bóng bởi bồ hóng khói bếp cũng lạ làm sao.

Nhưng lạ nhất là những cái chum, chóe, vại đủ loại bày ra, bên trong có mắm cáy, cà muối, mắm tôm... càng làm cho lũ trẻ thích thú.

Khu ruộng lúa.
Khu ruộng lúa.

Giữ lấy tinh hoa thuở trước

Ngoài các khu nhà thời xưa, bảo tàng của cô giáo Ngô Thị Khiếu còn một dãy nhà hiện đại 4 tầng. Tuy dãy nhà không hợp khung cảnh đồng quê nhưng lại là điểm nhấn và tiện lợi trong việc trưng bày và bảo quản hiện vật.

Tầng 1 trưng bày, lưu giữ kỷ vật chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Kiền và nhiều tư liệu quý về Quân đội nhân dân Việt Nam. '

Tầng 2 trưng bày chủ đề “Cây lúa với đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc Bộ”. Các hiện vật gồm nông cụ canh tác lúa - khâu làm đất (cày, cuốc, móng…), khâu chăm sóc (guồng, gầu tát nước…), khâu thu hoạch (liềm cắt lúa…), khâu chế biến lúa gạo (cối xay, cối giã thóc; dần, sàng, mẹt…) và nơi lưu trữ thóc (cót, bồ…).

Bên cạnh đó, còn trưng bày một số hiện vật khác thể hiện công việc, ngành nghề khác của ngư dân vùng Giao Thủy như dụng cụ đánh bắt cá, dụng cụ làm muối, dụng cụ dệt chiếu cói...

Đặc biệt, bảo tàng còn tái hiện ngôi nhà tre, mái lá của 1 gia đình nông dân xưa. Trong ngôi nhà có ban thờ tổ tiên, ông bà; tủ đựng trang phục của người nông dân (quần áo mặc đi chơi, lễ hội; quần áo lao động); máy dệt chiếu thủ công.

Cũng tại tầng 2, có tái hiện một gian bếp nhỏ của gia đình nông dân, gian bếp có cối giã gạo, dụng cụ sản xuất nông nghiệp… Bếp của người nông dân xưa vừa có chức năng bảo quản giống cây trồng, vừa nấu ăn.

Tại tầng 3, nhiều hiện vật được trưng bày dưới dạng kho mở và sắp xếp theo từng nhóm chủ đề. Các hiện vật là nhóm đồ đồng (mâm đồng, thau đồng, nồi đồng…), tiền xưa (tiền xu, tiền giấy ở các thời kỳ khác nhau), đồ gốm sứ (bát, đĩa…), bộ sưu tập công cụ sản xuất và vũ khí đồng, văn hóa Đông Sơn…

Một số hình ảnh về Bảo tàng Đồng Quê.

Một số hình ảnh về Bảo tàng Đồng Quê.

Theo chị Trần Thị Huê - hướng dẫn viên Bảo tàng Đồng Quê, tại tầng 3 trưng bày giới thiệu hàng nghìn hiện vật, được chia thành các bộ sưu tập với khoảng 200 mâm đồng, 200 nồi đồng, 60 chậu thau đồng, 100 sanh đồng. Bên cạnh đó là bộ sưu tập 1 tạ tiền xu và tiền giấy trải qua các thời kỳ.

Những thuyền thúng to nhỏ, những vỏ ốc mặn mòi và cả những bộ đá kéo lúa, mâm gỗ sứt vành... Đó là những thứ cũ mà lại thành quý giá – ít nhất là ở một bảo tàng giữa vùng quê đất biển, đúng như câu đối mà cố GS Vũ Khiêu đã gửi tặng cô giáo Khiếu: “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/ Để cho con cháu mãi sau này”.

Vợ chồng cô giáo Ngô Thị Khiếu và Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng cho biết, sau này sẽ tặng lại bảo tàng cho địa phương để làm nơi sinh hoạt văn hóa chung. Đồng thời luôn hi vọng lớp trẻ, các thế hệ học sinh – sinh viên đến tìm hiểu để biết về một thời cha ông đã trải qua, biết trân quý quá khứ, hiểu về những khó khăn gian khổ của thế hệ cha ông.

Một góc không gian trưng bày hiện vật và tư liệu về biển đảo.

Một góc không gian trưng bày hiện vật và tư liệu về biển đảo.

“Ngoài các hiện vật mang tính đồng quê được trưng bày, Bảo tàng Đồng Quê còn tái hiện không gian vườn cây - ao cá - hàng rào vùng nông thôn xưa, như hàng rào râm bụt.

Các loại cây phổ biến ngày xưa - như cây chay, cây sắn thuyền, cây cậy, cây dành dành, cây vối… giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn sự khác biệt về cuộc sống và thiên nhiên ngày xưa - ngày nay”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...