Bảo Sinh - Một mình một cõi chơi ngông

Bảo Sinh - Một mình một cõi chơi ngông

(GD&TĐ) - Tôi không ngụ ý xấu khi họ là “dị nhân” - những nhà thơ qúy mến của mình. Cái sự dị thường ấy hàm chứa sự đặc biệt độc đáo và về cả cách sống lập dị nữa. Đó là trường hợp của Văn Thùy, Bảo Sinh… những nhà thơ được bạn đọc, đồng nghiệp tôn vinh và thừa nhận khi họ tự tạo cho mình một phong cách, dấu ấn riêng trong tác phẩm, bởi  họ chẳng giống ai.

->> Kỳ 1: Nghiện thơ

Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh cùng thú cưng
Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh cùng thú cưng

Tôi biết nhà thơ Bảo Sinh khi mang chú mèo tới chữa bệnh ở khách sạn Chó mèo – nơi ông làm giám đốc cách đây 6 - 7 năm. Thế nhưng chuyện phối giống, chăm sóc, chữa bệnh, rồi dựng Cửu trùng đài, hóa thân hoàn vũ, cầu siêu  cho chó mèo hóa ra lại chẳng liên quan đến những vần thơ  rất đặc biệt của thi sĩ Bảo Sinh cả. Chó mèo là chuyện của chó mèo, còn thơ ca là chuyện của thơ ca. 

Nhà thơ Bảo Sinh có thú vui vầy bên cạnh những thú cưng của mình. Thú cưng của ông được chăm sóc đặc biệt, các “phòng” khách sạn có  từng loại giá cả khác nhau, tiền trăm trở lên. Cá biệt, phòng ở khách sạn có  cầu thang máy, camera theo dõi 24/24 tiếng, có người chăm sóc riêng, thì giá cả cũng “ngất ngưởng” luôn. Cách đây vài năm, khi xây xong khách sạn cho thú cưng, đã thấy ông thét từ 3 - 400.000 đồng/1 ngày đêm rồi.  Rồi chuyện tổ chức thi hoa hậu chó mèo, thi đấm bốc… hàng năm cũng được ông duy trì một cách đặc biệt trong khuôn viên tư gia ở 167 - Trương Định (Hà Nội) - thu hút đông đảo người hiếu kỳ và báo chí tham gia. 

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói đến ở đây là thơ - chính thơ Bảo Sinh đã khiến ông trở thành tâm điểm của dư luận. 

Có người cho rằng Bảo Sinh là trường phái thơ  Bút Tre, bởi yếu tố dân gian, tưng tửng, gây cười… Tuy nhiên đọc kỹ thơ của ông giám đốc khách sạn chó mèo ở đường Trương Định, thì thấy hậu sinh của Bút Tre đã khác hẳn. Có nghĩa là tính triết lý cao hơn, tính trào lộng đã được thể hiện ở mức độ nhất định. Tới mức, nhiều tuyển thơ đã  gom nhặt những vần thơ độc đáo của Bảo Sinh để in. Như tuyển thơ  “Hái giữa rừng thơ” của NXB Văn học năm 2010 đã in tới hàng trăm câu thơ, khổ thơ của ông theo thứ tự  A-B-C…

Những câu thơ :

 “Vợ là cơm nguội nhà ta

Lại là đặc sản thằng cha láng giềng”

Hay: 

Bỏ cả giang sơn vì người đẹp

Biết đâu người đẹp thích giang sơn

Hoặc:

Chôn chọn giờ, cưới chọn giờ

Yêu nhau gặp lúc bất ngờ gặp nhau…

Hoặc:

Đông vui, già chớ chen vào

Gái tơ huých nhẹ chỗ nào cũng đau…

đã khiến độc giả vô cùng thích thú. Nhiều câu thơ Bảo Sinh, khiến nhiều người mê và nhớ lâu bởi việc dung tục hóa hình ảnh và ngôn ngữ. Ông đã bình thường hóa cái nghiêm túc, khiến mọi sự việc bớt nghiêm trọng đi. Trong những vần thơ mang tính giễu nhại, yếu tố triết lý đã đẩy thơ Bảo Sinh đi xa hơn, nó không còn là câu chuyện đời thường, dung tục nữa. Nó đã trở thành vấn đề xã hội, với các cung trầm bổng, hỷ, nộ, lạc, dục, ái, ố… đời thường gặp phải - với những bi hài trong mỗi số phận, mỗi cuộc đời. 

Có một lần, tại phố Ngọc Khánh, tôi gặp ông mũ phớt ngồi cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tướng mạo của ông khiến người gặp lần đầu có cảm giác ông là một ẩn sĩ thì đúng hơn, nếu không chú ý đến cặp mắt tinh anh của ông. Lững thững, bí ẩn… với nụ cười thân thiện, Bảo Sinh đã không chỉ là ông chủ có uy tín của khách sạn chó mèo, mà còn là cây bút được nhiều  người mến mộ.

Trên thực tế, có nhiều độc giả rất thích “dòng” thơ Bảo Sinh. Tại tư gia của ông, Bảo Sinh cho in rất nhiều tuyển thơ mi-ni, cầm trong lòng bàn tay, với từng chủ đề khác nhau. Nhưng, tập thơ mi- ni với chủ đề “đạo phồn thực” đã “hút” độc giả một cách đặc biệt.  Bởi ông nói thẳng, nói hài, nói châm biếm về những vấn đề rất nhạy cảm về chuyện giới tính, đạo đức. 

Bạn tôi, một nhà báo, cũng là một tín đồ “phê” thơ Bảo Sinh tới độ có thể ngồi một chỗ đọc vanh vách tất cả các bài thơ của ông, mà có những bài thơ ở chủ đề phồn thực lại khiến không ít độc giả thích thú. Bạn tôi kể có lần Bảo Sinh đi trên chuyến xe khách, thấy không khí trang nghiêm, buồn tẻ  quá,  mới đứng dậy đọc 2 câu thơ ứng khẩu theo lời đề nghị của một hành khách trong xe: 

Bánh mì phải có pa tê

Đàn ông phải có máu dê trong người… 

Ngay lập tức, cả xe  bất ngờ thú vị, cười phá lên. Không khí nặng nề bỗng chốc bị xóa bỏ. Cả xe lao xao đề nghị ông đọc tiếp những bài thơ khác. Nhà thơ tài hoa lần lượt đọc những bài thơ đầy ấn tượng, đến nỗi ai đã nghe phải lập tức đề nghị xin chép ngay.

Đó là những lý do vì sao Bảo Sinh hiện đang vô hình dẫn đầu một trào lưu thơ độc đáo, người khơi dòng cho một dòng thơ triết lý, nửa dân gian, nửa hiện đại. 

Cái ngông của Bảo Sinh không phải ông cứ lừ lừ thẳng đường mà tiến, tự mình tạo cho bản thân một tòa tháp văn chương cho mình, mà còn phủ nhận những tước hiệu  văn chương mà thời thượng thường gặp phải.

Trong khi một số người đăng đàn lập thuyết  văn chương, bằng những vụ xì-căng- đan  để củng cố lại tên tuổi thì mình ông “ứ cần” hội hè, cứ tằng tằng cho xuất bản từng tập thơ photo mini, để tặng cho khách hàng đến có nhu cầu chăm sóc chó mèo, và những người yêu thơ…

Vậy mà tiếng lành đồn xa… Số nhà 167 Trương Định đôi khi lại là nơi hội tụ gặp gỡ của những người yêu thơ hơn là nơi thăm viếng của khách có nhu cầu chăm sóc thú cưng. Mặc dầu khi kinh doanh, Bảo Sinh cực kỳ tỉnh táo. 

Bởi vậy, Cửu trùng đài, Đài hóa thân hoàn vũ thuộc khuôn viên tư gia Bảo Sinh để đưa những chú chó mèo về nơi cực lạc không phải lúc nào cũng đỏ lửa và nghi ngút khói hương. Có một nhà thơ Bảo Sinh, lững thững tản bộ quanh chiếc hồ, giữa nghĩa địa chó mèo, với gương mặt đăm chiêu.

Ấy là lúc ông trăn trở cho ra đời những câu thơ  độc đáo, mà bất kể ai có muốn bắt chước cũng rất khó, bởi đó là tư chất, là máu thịt và sở trường sở đoản của ông mất rồi…

Với ông, thơ là một thú vui, là một cách chơi ngông, như việc ông mở khách sạn chó mèo đầu tiên ở Hà Nội vậy. Cũng khó cắt nghĩa chó mèo nuôi thơ ông hay thơ ông nuôi chó mèo… Tuy nhiên, sự lập dị trong phong cách sống và trong thơ ông đã biến ông thành thương hiệu đặc biệt có một không hai ở chốn Hà Thành.

Sa Mộc (Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.
Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

GD&TĐ - Thiếu trang thiết bị và nhân lực, lực lượng Kiev dường như đang dần sụp đổ về nhiều mặt, trong khi Nga đang tăng tốc các hoạt động trên bộ mỗi ngày.