Tháng ngày không thể quên…
Những ngày cả nước hướng về Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Bế Văn Sâm (88 tuổi), người Trà Lĩnh (Cao Bằng), nay trú tại thôn Chiền On, phường Bình Minh, TP Lào Cai không thể quên những ngày tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Hồi tưởng lại quá trình đi làm anh “Bộ đội Cụ Hồ” của mình, ông Sâm kể, đó là con đường rất dài và tự hào. Vì chiến tranh li tán, khi mới 13 tuổi, ông Sâm trốn nhà theo bộ đội Việt Minh.
Lúc đó, cha ông là Bế Văn Toòng dẫu thương con còn nhỏ nhưng vẫn gửi ông cho người anh cùng họ Bế Đăng Khoa, Trung đội trưởng, Trung đoàn 375, chăm sóc và dìu dắt trong quân ngũ.
Ông được Trung đội trưởng Trung đoàn 375 giao nhiệm vụ làm giao liên “hỏa tốc” đưa tài liệu, công văn mật cho chỉ huy các đơn vị bộ đội chiến đấu.
Tuy là người nhỏ nhất ở trung đội, song ông đã sớm giác ngộ cách mạng, quyết tâm đi theo Đảng và Bác Hồ. Vì thế, được làm giao liên, ông Sâm phấn chấn tinh thần, bất kể hiểm nguy, ngày hay đêm đều hăng hái lên đường, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chân dung chiến sĩ Điện Biên Bế Văn Sâm. |
Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Sâm đã trở thành chàng trai 17 tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Cấp trên đề bạt ông giữ chức Tiểu đội phó, giao cho khẩu tiểu liên thay cho khẩu súng trường dài ngoằng vẫn đeo hàng ngày. Ông Sâm tự hào và thấy mình đã trưởng thành.
“Cuối năm 1953, đơn vị tôi được lệnh hành quân từ Cao Bằng về Thái Nguyên học chính trị, học về kỷ luật chiến trường trong thời gian nửa tháng. Học xong, đơn vị lập tức được lệnh lên mặt trận Điện Biên Phủ. Hành quân cả tháng, thường là vào ban đêm, men theo những lối mòn trong rừng để tránh máy bay ném bom và pháo chặn đường”, ông Sâm kể.
Chạm chân tới mặt trận Điện Biên Phủ, ông Sâm cảm nhận được không khí căng thẳng, sục sôi trước một trận đánh lớn. Lúc đó, quân Pháp đã xây dựng sân bay Mường Thanh, trận địa pháo binh ở Bản Kéo, hầm ngầm cố thủ trên đồi A1… biến Điện Biên Phủ thành pháo đài bất khả xâm phạm.
Những ngày đầu năm 1954, bộ đội ta tích cực chuẩn bị tiến công Điện Biên Phủ. Đơn vị của ông Sâm được giao nhiệm vụ tiến công sân bay Mường Thanh, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch cho tập đoàn cứ điểm. Quanh khu vực trận địa sân bay Mường Thanh, bộ đội ta đào hầm hào tiến quân bao vây địch.
“Nhiều trận chiến ác liệt diễn ra trong tiếng bom, đạn, máy bay, xe tăng của địch gầm rú suốt ngày đêm. Thêm vào đó, trời trút mưa tầm tã khiến địch thêm ngoan cố chống trả, muốn kéo dài thời gian để quân ta nới vòng vây”, ông Sâm nhớ lại.
Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Sau đợt tấn công từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, Trung tâm thông tin chỉ huy và sân bay Mường Thanh của địch đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta. Quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
17h30 ngày 7/5/1954, quân ta chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát và toàn bộ sĩ quan, binh lính Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng.
Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm để tạo nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng
Ông Bế Văn Sâm (người giơ tay) đang kể chuyện lịch sử cho các em học sinh. |
Hồi tưởng lại những ngày chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông Sâm kể: “Khổ nhất là lúc công đồn. Một Tiểu đội có 12 người, lúc rút lui chỉ còn 1 - 2 người. Bấy giờ bản thân tôi cũng không biết mình sẽ còn sống đến ngày hôm nay. Khi vào trận là không nghĩ gì hết. 10 lời thề và 12 điều kỷ luật của quân đội đã rèn luyện cho mình tất cả cho chiến thắng”.
Sau ngày chiến thắng, ông Sâm vinh dự được đứng trước hàng quân, trực tiếp được Bác Hồ cài Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ lên ngực áo. Bức ảnh ấy đến nay ông vẫn lưu giữ và là bảo vật cuộc đời ông.
“Sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được vinh dự đứng trước hàng quân tại Lễ Chiến thắng Điện Biên Phủ. Lúc Bác cài Huy hiệu, tôi đứng thẳng người ưỡn ngực, tự hào đón nhận”, ông Sâm tâm sự.
Từ đó trở đi, ông Sâm luôn coi Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” là “bảo vật” và trân trọng cất giữ. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Sâm cùng đoàn quân trở về tiếp quản Hà Nội và được tuyển chọn vào đội quân danh dự duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình trước hàng triệu người Việt Nam hân hoan đón chào
Ông Trương Duyên, người Ninh Bình, trú tại tổ 14, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, nguyên là Trung úy, Đại đội phó Đại đội 965, Trung đoàn 34 nay đã 101 tuổi nhưng vẫn nhớ như in kỷ niệm “kéo pháo vào, kéo pháo ra” do chỉ huy bất ngờ thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Từ đó, xây dựng trận địa vững chắc, bảo toàn lực lượng, giúp quân ta đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
70 năm đã trôi qua kể từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Sâm, ông Duyên và nhiều chiến sĩ Điện Biên đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng những ký ức mà mỗi người lính mang theo vẫn là những mảnh ghép chân thực về lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ cháu con phải trân trọng hòa bình, tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên.