Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn. Khi bộ phận bé nhỏ này “bất ổn” thì cơ thể cũng bất ổn theo. Và chất lượng cuộc sống trong nhiều trường hợp bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

“Bé hạt tiêu”

Tuyến yên còn gọi là tuyến não thùy. Kích thước khoảng hơn 1cm, nằm ở đáy não, tại vị trí phía sau xương cánh mũi, trong khu vực rỗng của xương bướm. Khu vực rỗng này được gọi là hố yên. Vị trí tuyến yên ở ngay bên dưới nơi bắt chéo của đôi thần kinh thị giác. Xung quanh tuyến yên là các động mạch cảnh trong, vùng hạ đồi…

Trọng lượng của tuyến yên khoảng 0,5 gam. Hình dáng trông như một hạt đậu. Mặc dù rất nhỏ, tuyến yên vẫn được “phân lô” thành… 3 thùy theo vị trí: Trước, giữa và sau.

Thùy trước và thùy giữa của tuyến yên là những nhà máy hóa chất thu nhỏ sản xuất các loại hormone cần thiết cho sự phát triển của cơ thể và điều hành các tuyến khác.

Thùy sau của tuyến yên tuy không sản xuất ra loại hormone nào nhưng lại là kho dự trữ của các hormone được tiết ra từ nơi khác và là nơi tập trung của khoảng 50 nghìn đầu mối thần kinh liên lạc khắp cơ thể.

Trong quá trình phát triển cơ thể của con người, hormone được tiết ra từ tuyến yên có các chức năng quan trọng sau đây:

- Quyết định sự phát triển của cơ thể.

- Điều khiển quá trình trao đổi chất, duy trì huyết áp, đường huyết, giảm stress… qua ACTH tác dụng lên vỏ thượng thận.

- Phân bố sắc tố cho làn da.

- Quyết định sự phát triển giới tính qua sự phát triển của các tuyến sinh dục. Ở nữ là sự phát triển của buồng trứng và kích thích sự rụng trứng. Ở nam là sự phát triển tinh hoàn sản xuất ra tinh trùng…

- Điều hòa sự phát triển của các tuyến nội tiết khác với vai trò là tuyến chủ.

- Là kho lưu trữ “từ xa” các hormone vasopressin và oxytoxin được sản xuất ra từ vùng dưới đồi.

Trong đó, hormone vasopressin (ADH) có vai trò gia tăng sự hấp thu nước tại ống góp và ống lượn xa. Nếu thiếu ADH, nước sẽ không được tái hấp thu ở thận gây ra bệnh đái tháo nhạt.

Còn hormone oxytoxin có chức năng gia tăng sự co bóp cơ tử cung. Nồng độ oxytocin trong máu của phụ nữ mang thai thường tăng cao. Đến khi “khai hoa nở nhụy” thì oxytocin có tác dụng làm cơ tử cung co bóp mạnh và đẩy thai nhi ra ngoài.

Ngoài ra, hormone do tuyến yên sản xuất còn đảm nhận nhiều vai trò quan trọng khác. Tiêu biểu như việc điều hòa sự trao đổi chất và hấp thu năng lượng từ thức ăn được đưa vào cơ thể.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Các bệnh lý thường gặp

Giống như các bộ phận khác trong cơ thể, tuyến yên cũng có nhiều bệnh lý khác nhau như:

*U tuyến yên: Bệnh chiếm tỉ lệ 10 - 15% tổng số các khối u trong hộp sọ. Điều may mắn, u tuyến yên thường phát triển chậm. Khi khối u tiến triển “âm thầm” và lâu ngày to lên gây chèn ép những bộ phận xung quanh tạo ra các biểu hiện như rối loạn thị lực hay mất thị lực ngoại vi.

Nhưng cũng có những trường hợp khối u làm “tê liệt” các nhà máy sản xuất hormone khiến cơ thể lâm vào tình cảnh thiếu hụt nghiêm trọng các chất cần thiết để duy trì chức năng sống và phát triển. Tùy theo tình trạng bệnh lý của từng người bệnh mà các nhà chuyên môn điều trị hỗ trợ bằng thuốc hoặc quyết định mở hộp sọ để giải quyết khối u.

*Suy tuyến yên: Là tình trạng tuyến này bị suy giảm chức năng, làm cho việc sản xuất hormone không đủ đáp ứng cho nhu cầu cơ thể. Suy tuyến yên có thể gây ra sự thiếu hụt một, vài hay tất cả các hormone do nó sản xuất.

Bệnh lý chủ yếu gặp ở những người sau can thiệp phẫu thuật tuyến yên hoặc sau điều trị bức xạ khu vực sọ não. Một số trường hợp bệnh lý gây tổn thương tuyến yên và vùng dưới đồi cũng có thể dẫn đến bệnh cảnh này. Sau đây là các “mặt bệnh” thường gặp nhất:

- Thiếu hormone tăng trưởng: Ở trẻ nhỏ, khi hormone tăng trưởng không được tuyến yên cung cấp đủ sẽ gây ra tình trạng chậm lớn, dậy thì trễ. Ở người lớn gây ra những trục trặc về sự chuyển hóa và trao đổi chất của cơ thể.

- Suy sinh dục trung ương: Do tuyến yên không cung cấp đủ hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH) dẫn đến những vấn đề về khả năng hoạt động tình dục và sinh sản.

- Suy thượng thận trung ương: Các biểu hiện bệnh lý xuất hiện khi tuyến yên không sản xuất và cung cấp đủ ACTH khiến cơ thể không giải phóng được cortisol gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động.

- Suy giáp trung ương: Nếu tuyến yên không cung cấp đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) sẽ gây ra chứng suy giáp trung ương, làm cho cơ thể bị thiếu hụt hormone tuyến giáp…

Nói chung, việc điều trị suy tuyến yên được thực hiện bằng cách sử dụng liệu pháp thay thế những hormone bị thiếu hụt. Người bệnh được theo dõi thường xuyên qua hình thức xét nghiệm máu.

*Đột quỵ tuyến yên: Là tình trạng bệnh lý nguy hiểm và có thể dẫn đến cái chết ngay lập tức. Các yếu tố nguy cơ và cũng là nguyên nhân gây đột quỵ tuyến yên là chấn thương mạnh vùng đầu, cơn tăng huyết áp, đang điều trị bằng thuốc chống đông.

Đột quỵ tuyến yên có thể diễn ra đột ngột, cấp tính, rầm rộ, nặng nề hoặc nhẹ nhàng, chậm chạp. Các biểu hiện điển hình là nhức đầu từ nhẹ nhàng, vừa phải đến đau dữ dội phía sau hốc mắt và lan ra xung quanh.

Giảm thị lực gây nhìn mờ, nhìn đôi. Một số trường hợp bị sụp mí mắt, giãn đồng tử hai bên và mất khả năng nhìn (thị trường) hai bên vùng thái dương.

Ngoài ra, còn có một số biểu hiện khác rất đáng lo ngại như mất cảm giác thèm ăn, tụt huyết áp, suy thượng thận cấp...

*Hội chứng hố yên rỗng: Hố yên rỗng vì nó chứa đầy dịch não tủy, làm tuyến yên phẳng vào thành hố yên. Hội chứng này xảy ra có thể do bẩm sinh, bệnh nguyên phát hoặc thứ phát sau một bệnh lý nào đó gây tác động như sau chấn thương sọ não, xạ trị, phẫu thuật, thiếu máu sau sinh… Tình trạng bệnh lý này gặp nhiều ở nữ (80%), người bị béo phì (75%), tăng huyết áp (30%). Người bệnh có thể bị tăng áp lực nội sọ vô căn (10%) hoặc bị dò dịch não tủy qua đường mũi (10%).

Chẩn đoán bệnh xác định nhờ chụp CT hoặc MRI. Điều đặc biệt, ở người mắc hội chứng hố yên rỗng thì chức năng của tuyến yên vẫn được duy trì một cách bình thường. Do đó, gần như không cần có sự can thiệp đặc biệt nào đối với người mắc bệnh hội chứng hố yên rỗng đơn thuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ