Báo Nga viết về siêu vũ khí Mỹ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tập đoàn Lockheed Martin gây bất ngờ khi tuyên bố sắp đưa tên lửa siêu thanh AGM-183A (Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không, ARRW) vào trang bị.

Tên lửa AGM-183A dưới cánh máy bay B-52H tại căn cứ Mỹ ở đảo Guam hôm 27/2.
Tên lửa AGM-183A dưới cánh máy bay B-52H tại căn cứ Mỹ ở đảo Guam hôm 27/2.

Vậy thành tựu của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh như thế nào, hãy cùng khám phá qua bài viết của hãng RIA Novosti.

Câu lạc bộ siêu thanh

Vị thế dẫn đầu không thể tranh cãi về vũ khí siêu thanh đã được củng cố vững chắc ở Nga. Sáu năm trước, trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang, Tổng thống Vladimir Putin đã trình bày một đoạn video chứng minh khả năng của những công nghệ này.

Thông tin này sau đó đã bị phương Tây mỉa mai lẫn hoài nghi về loại vũ khí được ông Putin nhắc đến.

Tuy nhiên, Nga đã chứng minh bằng cách thường xuyên sử dụng những tên lửa như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là một ngày trước đó trong một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev.

Và điều này khiến Moscow trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới sử dụng vũ khí siêu thanh trong thực chiến. Nhiều hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa khác nhau, bao gồm cả hệ thống của phương Tây, không thể chống lại vũ khí này.

Theo sau Moscow, Bắc Kinh gia nhập câu lạc bộ các cường quốc siêu thanh. Quân đội Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công hơn Mỹ trong việc thử nghiệm các nguyên mẫu.

Và vào năm 2019, nước này đã giới thiệu tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-17 (DF-17), đóng vai trò là phương tiện mang phóng phần chiến đấu siêu thanh DF-ZF.

Năm 2022, trong cuộc tập trận, vũ khí này được sử dụng ngoài khơi đảo Đài Loan. Ngoài ra, vào năm 2021, Trung Quốc đã thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh. Vũ khí siêu thanh này bay một quãng đường rất dài trước khi tấn công chính xác mục tiêu.

Trong khi bộ ba Moscow-Washington-Bắc Kinh nhìn chung đã quen với cuộc chạy đua vũ trang tiên tiến thì trong vài năm gần đây, người Mỹ đã để một số quốc gia vượt qua trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh.

Vào năm 2022, CHDCND Triều Tiên thông báo đã thử nghiệm thành công Hwasong-8, trong quá trình phóng thử nghiệm, tên lửa này đã đạt tốc độ Mach 10 và bay được quãng đường một nghìn km.

Đến tháng 6 năm 2023, Iran - quốc gia trải qua hơn 4 thập kỷ bị trừng phạt, đã giới thiệu tên lửa đạn đạo Fattah tại một cuộc triển lãm vũ khí.

Fattah đã gây bất ngờ không chỉ cho Mỹ bởi chúng có khả năng đạt tốc độ Mach 15 và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1.400 km.

Hơn nữa, vào giữa tháng 3, lực lượng Houthi ở Yemen cũng thông báo rằng họ đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Theo đại diện của Houthi, tên lửa nhiên liệu rắn có thể đạt tốc độ Mach 8, gần tương đương với Kinzhal của Nga.

"Tên lửa siêu lừa đảo"?

Theo bài viết, Washington đã theo đuổi công nghệ siêu thanh trong hai thập kỷ; kế hoạch chế tạo những loại vũ khí như vậy đã được bàn đến từ đầu những năm 2000.

Đồng thời, dự án DARPA Falcon HTV-2 được Mỹ công bố và sau đó họ bắt đầu phát triển tên lửa hành trình X-51A Waverider. Nhưng cả hai chương trình đều đã bị ngừng.

Sau nhiều nỗ lực và chi hàng chục tỷ đô la, các nhà thầu quốc phòng Mỹ cuối cùng đã tuyên bố phát triển đồng thời hai loại vũ khí siêu thanh (HAWC) và AGM-183A ARRW.

Đầu tiên là vũ khí khí động học không được trang bị đầu đạn nổ. Do kích thước nhỏ gọn, theo các nhà phát triển, nó có thể được triển khai trên nhiều phương tiện hơn AGM-183A.

Ngược lại, ARRW lại gần hơn với những ý tưởng truyền thống về siêu âm. Máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress của Mỹ được sử dụng làm bệ phóng. Tốc độ của tên lửa khoảng Mach 7 hoặc 8, tầm bắn khoảng 1.600 km.

Vào tháng 5 năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tuyên bố rằng một siêu tên lửa sẽ sớm được đưa vào kho vũ khí của Mỹ. Loại vũ khí này nhanh hơn 17 lần so với tất cả những tên lửa có trong kho vũ khí của Washington.

Các chuyên gia vũ khí Mỹ cho rằng chính AGM-183A đang được ông chủ Nhà Trắng đề cập đến, tuy nhiên tốc độ của AGM-183A được ông Trump nói vượt xa hơn nhiều nhà sản xuất công bố.

Các cuộc thử nghiệm đầu tiên trên mặt đất của nguyên mẫu AGM-183A đã bắt đầu vào năm 2019 và vào năm 2021, bản thân tên lửa đã được phép thử nghiệm trên máy bay mang phóng.

Tuy nhiên, cả 3 lần phóng thử AGM-183A liên tiếp Mỹ đều thất bại. Đó là lý do tại sao Lầu Năm Góc tăng gần gấp ba nguồn tài trợ - từ 308 USD lên 115 triệu USD cho vũ khí này.

Năm 2022 coi là một năm thành công hơn đối với các nhà phát triển: các chuyến bay được cho là thành công được thực hiện vào tháng 5, tháng 7. Nhưng sau đó, các cuộc thử nghiệm lại làm xáo trộn mọi kế hoạch.

"Các cuộc thử nghiệm đã không thành công. Chúng tôi không nhận được dữ liệu cần thiết", người đứng đầu Không quân Mỹ Frank Kendall giải thích vào thời điểm đó. Sau đó Mỹ quay lại phóng vào tháng 8 nhưng không hề nói đến kết quả.

Cuộc thử nghiệm cuối cùng diễn ra vào ngày 17 tháng 3 năm 2024. Chiếc B-52H cất cánh từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam, trước khi phóng một tên lửa vào Bãi thử Reagan ở Quần đảo Marshall.

Lầu Năm Góc cho biết họ đã nhận được thông tin có giá trị về khả năng của loại vũ khí này. Nhà sản xuất AGM-183A, Lockheed Martin, lưu ý rằng họ đã sẵn sàng cung cấp loại đạn này cho quân đội Mỹ chỉ sau một lần phóng thành công.

Nếu kết quả thử nghiệm AGM-183A tích cực như Mỹ tuyên bố thì cơ hội là rất tốt – Washington cuối cùng cũng có thể gia nhập các cường quốc siêu thanh ngay sau lực lượng Houthi ở Yemen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ