Cán bộ, giáo viên vùng Đất Mũi mong gì ở Luật Nhà giáo?

GD&TĐ - Cán bộ, giáo viên vùng Đất Mũi (Cà Mau) mong muốn Luật Nhà giáo sẽ sớm được ban hành.

Cán bộ, giáo viên vùng Đất Mũi mong gì ở Luật Nhà giáo?

Cán bộ, giáo viên vùng Đất Mũi (Cà Mau) bày tỏ niềm vui khi Nghị quyết 95 của Chính phủ đã thống nhất thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng Luật Nhà giáo.

Đồng thời mong muốn những chính sách có trong Luật khi triển khai sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa.

Có chính sách, cơ chế thu hút giáo viên về vùng sâu, vùng xa

Cô Đặng Thị Hường, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) chia sẻ: Sau nhiều lần tăng lương, hiện tại cuộc sống của giáo viên đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, so với tình hình phát triển kinh tế, vật giá tăng cao như hiện nay thì mức lương giáo viên vẫn còn thấp.

“Đối với bậc mầm non và tiểu học, thời gian ở trường, ở lớp của giáo viên nhiều hơn là ở gia đình, muốn làm công việc khác để phụ thêm kinh tế cũng rất khó. Hy vọng Luật Nhà giáo khi xây dựng ban hành sẽ quan tâm cải thiện nhiều hơn chính sách tiền lương, phụ cấp cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, cô Hường nói.

Nhiều trường mầm non ở vùng khó khăn của tỉnh Cà Mau thiếu giáo viên nhưng nhiều năm không tuyển dụng được.

Nhiều trường mầm non ở vùng khó khăn của tỉnh Cà Mau thiếu giáo viên nhưng nhiều năm không tuyển dụng được.

Cùng trường với cô Hường, cô Trần Nguyễn Bảo Duyên chia sẻ thêm, hiện có rất nhiều giáo viên ở vùng sâu, vùng xa không phải là người địa phương. Việc dạy học xa nhà gặp rất nhiều khó khăn về đi lại, ăn ở, sinh hoạt. May mắn là ở trường này có bố trí phòng công vụ cho giáo ở xa, tuy nhiên diện tích phòng không rộng, 2 vợ chồng cô có thêm 2 con nhỏ ở rất chật. Nhà lợp bốn bề toàn bằng thiếc nên rất nóng, điện phải kéo nhờ của trường hoặc nhà dân, nước thì thường xuyên bị cúp...

“Tôi nghĩ Luật Nhà giáo cần có chính sách khuyến khích, đãi ngộ, phụ cấp cho giáo viên khi về công tác ở vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, đãi ngộ, phụ cấp về tiền lương, điều kiện đi lại, điều kiện ở, môi trường làm việc... để họ an tâm công tác, gắn bó lâu dài với địa phương, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người giáo viên”, cô Duyên bày tỏ mong muốn.

Cô Trần Nguyễn Bảo Duyên sống trong căn phòng công vụ của Trường tiểu học Kim Đồng.

Cô Trần Nguyễn Bảo Duyên sống trong căn phòng công vụ của Trường tiểu học Kim Đồng.

Cô Phan Thị Thảo Nguyên, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hoa Mai (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) cho biết thêm: Trường hiện tại có 2 giáo viên và 1 người nấu ăn. Theo chức danh nghề nghiệp còn thiếu 3 giáo viên nhưng tuyển mãi không được.

Giáo viên thiếu, nhân viên thiếu, những lúc có người xin nghỉ phép cô rất đắn đo nhưng không thể không cho vì lý do chính đáng. Khi đó, Hiệu trưởng, Hiệu phó phải dạy thay, có lúc phải kiêm luôn công việc nấu ăn, rất vất vả. Theo cô Nguyên, mức lương thấp, chế độ đãi ngộ, phụ cấp ít, chính là lý do giáo viên không muốn về làm việc ở những vùng xa xôi.

“Luật Nhà giáo khi xây dựng và ban hành cần cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có như thế mới có thể thu hút được giáo viên chịu về những nơi này công tác” - cô Nguyên nêu ý kiến.

Một dãy phòng công vụ của giáo viên ở xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn

Một dãy phòng công vụ của giáo viên ở xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn

Theo bà Nguyễn Ngọc Khoa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Năm Căn, tình trạng thiếu giáo viên ở các huyện vùng sâu, vùng xa như Năm Căn, Ngọc Hiển đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có phương án khắc phục hiệu quả. Nguyên nhân của việc thiếu giáo viên chủ yếu do thiếu nguồn tuyển dụng, giáo viên bỏ việc do lương thấp không tương xứng vị trí nghề nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, áp lực công việc...

“Tôi mong muốn Luật Nhà giáo khi xây dựng ban hành sẽ có cơ chế đặc biệt thu hút giáo viên về dạy khu vực vùng sâu, vùng xa, cả những giáo viên mới ra trường và những giáo viên giỏi, có bằng cấp, học hàm, học vị cao, góp phần rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục khu vực thành thị và nông thôn”, bà Nguyễn Ngọc Khoa chia sẻ.

Tôn vinh đúng người, đúng việc

Một trong những chính sách dự kiến có trong Luật Nhà giáo đó là chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo.

Liên quan đến chính sách này, thầy Nguyễn Văn Trình, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hải (huyện Phú Tân, Cà Mau) cho rằng, nhà giáo làm tốt việc được tôn vinh khen thưởng là cần thiết, giúp họ có thêm động lực phấn đấu, gắn bó với nghề. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể về các tiêu chí khen thưởng, mức độ khen thưởng, hình thức khen thưởng để người được tôn vinh, khen thưởng cảm thấy mình xứng đáng và thuyết phục được người khác.

Đi đôi với chính sách đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh nhà giáo, trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, có những nhà giáo chưa làm tròn trách nhiệm, để xảy ra tiêu cực, ảnh hưởng tới đồng nghiệp và sự đánh giá, nhìn nhận của xã hội đối với đội ngũ giáo viên nói chung. Vì vậy, khi xây dựng Luật, cũng cần có những quy định cụ thể về hành xử của giáo viên và đạo đức nhà giáo trong trường học để đảm bảo quyền lợi cho cả giáo viên, học sinh.

Còn theo cô Trần Kiều Khen, Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Bình Tây (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), giáo viên cấp học mần non phải dạy liên tục từ sáng đến tối, môi trường làm việc tiếp xúc cùng lúc với nhiều trẻ em sẽ gặp áp lực lớn hơn, dễ ảnh hưởng đến tâm lý. Vì vậy trong Luật cần cụ thể hóa quy tắc ứng xử, cũng như những hành vi cần tránh khi tiếp xúc với học sinh.

Ngoài ra, cô Khen cũng kiến nghị có quy định về thời gian nghỉ ngơi trong ngày, trong năm và tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non một cách hợp lý hơn.

Nhiều trường vùng khó khăn ở Cà Mau thiếu giáo viên dạy Tin học, Anh văn và vị trí nhân viên Thư Viện - Thiết bị, Y tế học đường.

Nhiều trường vùng khó khăn ở Cà Mau thiếu giáo viên dạy Tin học, Anh văn và vị trí nhân viên Thư Viện - Thiết bị, Y tế học đường.

Liên quan đến chính sách đào tạo, thầy Huỳnh Văn Mến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ, hiện nay các trường vùng sâu, vùng xa thiếu nhất là giáo viên dạy ngoại ngữ và tin học.

Ngoài ra cũng thiếu các vị trí như nhân viên thư viện – thiết bị, y tế học đường. Trong khi công tác tuyển dụng, đào tào những vị trí này còn nhiều bất cập. Đặc biệt, đối với vị trí nhân viên thư viện – thiết bị, y tế học đường ít trường đào tạo nên tuyển dụng rất khó, đa phần thí sinh nộp hồ sơ không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Phân công các giáo viên khác chuyển sang làm các vị trí này thì phần lớn giáo viên cũng không đồng ý.

“Trong xây dựng Luật Nhà giáo, tôi mong cơ quan ban ngành quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo nhân lực đối với vị trí nhân viên thư viện – thiết bị, y tế học đường, xây dựng cơ chế tuyển dụng đối với các vị trí này phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời quy định rõ cơ chế thỉnh giảng giáo viên ở các trường khác về trường mình để đảm bảo giáo viên dạy đủ môn học theo quy định”, thầy Mến đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.