Theo báo Mỹ, ngay cả khi được cung cấp cho Ukraine, do còn nhiều thiếu sót, xe tăng Challenger 2 của Anh sẽ không thể hỗ trợ đáng kể cho quân đội Ukraine trên chiến trường trong cuộc đối đầu với lực lượng tinh nhuệ của Nga.
Những thiếu sót của cỗ tăng này có thể làm giảm đến mức tối thiểu công dụng thực tế của chúng trên chiến trường. Nhược điểm đầu tiên là pháo chính của xe tăng khá lỗi thời. Quân đội Anh hiện đang xem xét thay thế khẩu pháo L30 cỡ nòng 120mm bằng khẩu L55A1 của Đức trong thế hệ thứ ba của Challenger.
Pháo L30 có cơ chế nạp đạn riêng, trong khi giảm tốc độ bắn ở giai đoạn cuối. Chưa kể tất cả các loại đạn dành cho xe tăng đều được thiết kế riêng biệt, đòi hỏi phải có một tuyến hậu cần riêng.
Nhược điểm khác của xe tăng Challenger 2 đã được các binh sỹ Ukraine phát hiện đó là giá đỡ tháp pháo rất dễ bị tấn công. Máy bay không người lái sử dụng đạn sát thương từ Thế chiến 2 có thể khiến xe tăng ngừng hoạt động một khi tấn công vào vị trí này.
Challenger 2 là xe tăng nặng nhất của NATO. Trọng lượng của nó có thể dao động từ 62,5 tấn đến 75 tấn, tùy thuộc vào nhiệm vụ chiến đấu. Trọng lượng của xe tăng có thể gây ra nhiều vấn đề đối với Ukraine.
Thứ nhất, không phải tất cả các cây cầu tại Ukraine đều có thể chịu được tải trọng lớn như vậy. Ngay cả khi quân đội Ukraine sử dụng thiết bị bắc cầu tạm, họ cũng không thể tạo ra những cây cầu có khả năng vận chuyển loại xe tăng này.
Thứ hai, các lực lượng vũ trang không có những phương tiện hay thiết bị chuyên dụng có thể kéo những chiếc xe nặng hơn 60 tấn ra khỏi chiến trường trong trường hợp chúng bị hỏng hóc hoặc mắc kẹt trong bùn lầy.
Trong trường hợp đó, Anh có thể phải xem xét cung cấp cho Ukraine xe cứu hộ xe tăng có lực kéo tối đa 98 tấn. Trọng lượng lớn cũng làm giảm khả năng cơ động của Challenger 2.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu xe tăng này được trang bị đầy đủ hệ thống bảo vệ bổ sung, khả năng cơ động của nó chỉ ngang bằng với xe tăng hạng nặng của Đức từ thời Thế chiến 2.
Xe tăng Challenger 2 sử dụng giáp phức hợp Chobham khá dày, loại giáp được quảng cáo là tốt nhất thế giới, có thể vô hiệu hóa hoàn toàn đạn chống tăng nổ lõm (HEAT).
Tuy nhiên, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về tính ưu việt của giáp Chobham khi phiến quân tại Iraq từng sử dụng súng chống tăng RPG-29 bắn hạ một chiếc Challenger 2 của Anh trên chiến trường. Một vấn đề khác liên quan đến việc bảo trì.
Do Challenger 2 có rất nhiều thiết bị và linh kiện riêng biệt nên khó có thể sử dụng những bộ phận thay thế từ các loại xe tăng khác của NATO. Điều này sẽ gây ra thách thức lớn cho các binh sỹ Ukraine khi vận hành Challenger 2 trên chiến trường.
Báo Mỹ cho biết thêm, ngay cả khi chúng được chuyển đến Ukraine, cỗ xe này bị cho là có rất ít cơ hội tồn tại khi phải đối đầu với kho vũ khí diệt tăng cực mạnh của Nga trong khi không được trang bị Hệ thống phòng vệ chủ động (APS).