Tuyên bố được phát ngôn viên của NSC, John Kirby cho biết trong tuyên bố hôm 24/2, Nga đang tìm cách mở rộng hợp tác quân sự với Iran, trong đó có việc chuyển tiêm kích và nhiều khí tài hiện đại cho quốc gia Hồi giáo này.
"Chúng tôi có bằng chứng về việc Nga tăng cường hợp tác quốc phòng với Iran ở mức độ chưa từng thấy, trong đó Moskva đã cung cấp tiêm kích, tên lửa, thiết bị điện tử và phòng không cho Tehran", ông John Kirby nói.
Mặc dù không nói rõ loại tên lửa và thiết bị điện tử nào đã được Nga chuyển cho Iran nhưng ông Kirby khẳng định, những chiếc tiêm kích đa năng Su-35 đã được Moskva chuyển đến Tehran.
"Iran đã nhận được những chiếc Su-35 Flanker-E do Nga sản xuất cùng với một số loại vũ khí đi kèm để đối lấy sự hỗ trợ sâu rộng từ Tehran với chiến dịch quân sự đặc biệt Moskva đang tiến hành tại Ukraine", phát ngôn viên Kirby cho biết thêm.
Việc Su-35 xuất hiện ở Iran không còn là chuyện bất ngờ nhưng nó đến sớm hơn đáng kể so với tuyên bố hồi tháng 1 của ông Shahriar Heidari, thành viên Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran:
"Các máy bay chiến đấu phản lực Su-35 sẽ đến Iran vào đầu Năm mới (theo lịch Ba Tư bắt đầu vào ngày 21/3)".
Thông tin lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 1/2022 cho rằng Iran sẽ tiếp nhận 24 chiếc Su-35 từ Nga. Theo nguồn tin quân sự Iran, các cuộc đàm phán giữa hai nước đã bắt đầu vào tháng 10/2021 và thỏa thuận được hai bên ký kết trong tháng 1/2022.
Nga dự kiến sẽ bàn giao 24 chiếc Su-35 cho Iran và việc giao hàng dự kiến diễn ra vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có thông tin chính thức xác nhận từ phía Nga.
Nếu việc chuyển giao các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga cho Iran diễn ra đúng như tuyên bố của các bên, điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc nâng cấp đáng kể sức mạnh cho lực lượng không quân Iran, vốn có trang bị khiêm tốn do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bên cạnh việc phục vụ trong Lực lượng hàng không vũ trụ Nga, Su-35 cũng đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Một số quốc gia khác, bao gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Indonesia, trước đây cũng đã cân nhắc mua loại máy bay này.
Iran và Nga bắt đầu hợp tác quân sự từ năm 2001, nhưng ngừng lại từ tháng 3/2016 sau khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết cấm xuất khẩu công nghệ liên quan tới hệ thống triển khai vũ khí hạt nhân tới Iran, cấm Iran xuất khẩu khí tài và cấm các nước bán nhiều loại vũ khí thông thường cho quốc gia này.
Đến tháng 8/2020, Hội đồng Bảo an bác đề xuất gia hạn lệnh cấm bán vũ khí cho Iran do Mỹ đưa ra. Điều này giúp Nga cung cấp cho Iran các loại vũ khí hiện đại sau khi lệnh cấm vận hết hiệu lực. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định Nga và Iran đang phát triển quan hệ quốc phòng toàn diện.
Từ tháng 10/2022, Nga tăng cường sử dụng UAV Geran-2 cùng tên lửa tập kích hạ tầng chỉ huy quân sự, năng lượng và kho đạn của Ukraine. Geran-2 được cho là có kích thước và hình dáng giống mẫu Shahed-136 do Iran chế tạo, khiến phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng UAV tự sát của Iran trên chiến trường Ukraine.
Nhưng Iran khẳng định cung cấp UAV cho Nga từ trước khi nổ ra chiến sự, trong khi Nga tuyên bố chỉ sử dụng công nghệ nội địa trong những chiếc UAV tham chiến tại Ukraine.