Đó là ý kiến của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh khi đưa ra những nguyên nhân và hướng nhìn nhận về hành vi sai trái của các em học sinh bị bạo hành và bạo hành liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, gần đây chúng ta chứng kiến liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra theo nhiều hình thức khác nhau như đánh bạn lột đồ, bắt bạn quỳ xin lỗi, đánh hội đồng gây thương tích… Không thể mô tả được đó là kiểu bạo hành gì khi những hành động xuất phát từ chính các bạn học sinh ở cái tuổi “vắt mũi chưa sạch” thực hiện một cách dã man…
Trong môi trường học đường vấn đề văn hóa kiểu ứng xử, xử lý mâu thuẫn bằng cách xúc phạm, xâm phạm, hạ nhục, đe dọa ngày càng có xu hướng gia tăng bằng nhiều hình thức khác nhau. Điều đó cho thấy chính văn hóa của các em đang rất có vấn đề.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định rằng, “Nhà trường phải chịu trách nhiệm và rõ ràng sự việc xử lý chưa thấu đáo, chưa đến nơi đến chốn nên đã dẫn đến việc đình chỉ trách nhiệm quản lý, công tác. Dẫu có chút đáng buồn nhưng nó có thể là tín hiệu cho thấy cần phải quyết liệt để răn đe hơn trong giáo dục”.
Tuy nhiên, vấn đề liệu chỉ nằm ở việc giáo dục học sinh, thầy cô và nhà trường? Những hành vi của bạn học sinh thiếu sự cân nhắc về hậu quả; nuông chiều cái tôi và được đẩy đi theo hướng làm nhục người khác trên nhiều cấp độ như: quỳ gối, tát, đấm và cả việc lột trần... Ngẫm để thấy chính những sự lạnh lùng, chính những áp lực từ mục tiêu “bảo vệ danh dự”, thể hiện mình khi đe dọa bạn đồng trang lứa buộc học sinh đã hành xử thế.
Từ đó, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, nguyên nhân của những sự vụ đáng buồn là việc giáo dục chưa tới, chưa sâu sắc vào thế giới riêng của học trò. Nhưng đó là sự dạy dỗ mang tính làm người. Ở đây, nhà trường và xã hội cùng với gia đình phải có trách nhiệm.
Theo nhiều nghiên cứu về tâm lý cho thấy sự ảnh hưởng của gia đình và những nhóm xã hội lân cận quyết định phần lớn tới hành vi của các em. Câu hỏi khó trả lời là liệu bao nhiêu bậc phụ huynh quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa?.
Thời gian dành cho việc trò chuyện với con không có, điều kiện để uốn nắn cũng không. Nhiều cha mẹ rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền cứ làm – cứ ăn, cứ ra – cứ vào và cũng bạo lực như ai thì thử hỏi sao chuyện giáo dục con cái có thể được giải quyết. Đau nhất là cảnh “chén bay, đĩa bay” xảy ra ở hàng xóm và nó trở thành một dấu ấn trong hành vi khó kiểm soát của chính con mình.
Hàng ngày, hàng giờ, sự thu nạp những hình ảnh thực tế của đứa trẻ đang trưởng thành luôn diễn ra. Các hình ảnh đánh ghen, ẩu đả xảy ra nhan nhản trên đường phố và trở thành kinh nghiệm bị động thu được chính là nguyên nhân khiến các em ngày càng “manh động” hơn.
Nhìn đúng về bạo lực học đường
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, trong xã hội công nghệ, Internet và Mạng xã hội có sức ảnh hưởng đáng kể và dễ dàng biến các em trở thành người lệ thuộc. Thực tế các em chỉ cần có chiếc điện thoại hay vài chục nghìn đồng là dễ dàng trở thành fan hâm một của các bộ phim nước ngoài. Khi đó, các nam thần hay nữ thần tượng là những người gây ấn tượng mạnh mẽ bởi những hành động bạo lực và cả những sự ứng xử đầy tính bạo hành...
Chưa kể mạng xã hội lan truyền các clip đánh nhau, các clip trừng phạt người thứ ba bằng hành vi bạo hành “đẳng cấp” với những cái like và comment quá vô tư... Hay thậm chí ngay khi các em có hành vi sai, sai đáng kể và đáng trách thì bị tấn công bằng những lời lẽ miệt thị, bằng kiểu đề xuất bạo hành đầy sáng tạo nên... đó là minh chứng cho kiểu bạo lực đa dạng: nhanh - mạnh - đầy công nghệ...
Không chỉ vậy, khi những học sinh bị bạo hành là người yếu thế bởi gia đình khó khăn và hoàn cảnh. Bản thân em cũng không phải là người thể hiện được khả năng thích nghi, chống chọi... Hơn thế nữa là sự vô tư khi các em quay hình của chính mình đánh bạn, thành quả của cái tôi, chiến tích tuổi teen từ việc làm nhục bạn để mình thắng thế.
PGS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, mọi sự lý giải hay bình luận đều trở nên vô nghĩa bởi khi sự tôn trọng về giới không có, sự bất bình đẳng giới với chính mình đã được khắc sâu… Ai thắng, ai bại chẳng thể định phân nhưng chắc chắn dấu ấn về hình ảnh bạn nữ bị bêu xấu là vết trượt dài trong văn hóa học đường.
Cần nhìn thẳng, nhìn đủ để có thể xử lý vấn đề xác đáng chứ không nên lạc hướng hay không thể chủ quan từ một góc nhìn. Rõ ràng, sự bạo hành xảy ra đó là điều bất hạnh mà có lẽ cả đời các em và người thân cũng như xã hội này đều không muốn.
Các học sinh bạo hành bạn cũng thấy xấu hổ và chính bản thân em bị bạo hành vẫn chưa biết mình sẽ ứng xử thế nào. Nếu văn hóa được gầy dựng chắc chắn và vững vàng, có điểm nhấn với những giá trị sống nhân văn, tôn trọng thì sự thật có thể được kiểm soát.
Và cái gốc của văn hóa mỏng, tuột hay nông thì khó có thể đảm bảo sự chuẩn mực trong ứng xử. Người ta có thể sai, nhiều người có thể sai và học sinh trung học sai chuẩn hành vi, non về ứng xử và vi phạm trên bình diện pháp lý là điều đã tồn tại..., PGS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Do đó, Ngành giáo dục và nhiều ban ngành khác trong xã hội đã và đang có nhiều nỗ lực. Những thay đổi về chương trình giáo dục được thực hiện bằng nhiều giọt mồ hôi và nước mắt của nhiều người thì chỉ cần những hành động trên đã làm giảm đi niềm tin ngay lập tức…
Chỉ có cách nhìn đủ, hành động đúng mà không chỉ là lời nói; phải bằng hành động từ trái tim với sự soi sáng bởi khối óc của mỗi người dẫu ở vị trí này hay khác. Đánh giá về bạo lực học đường, bày tỏ chính kiến và thái độ; đề xuất và cả bình luận có liên quan đến bạo lực học đường cần lắm cái nhìn đúng và đủ, hành động đủ và thông tuệ mới có thể giải quyết vấn đề có trọng điểm và căn cơ.