Thứ nhất, Nghị quyết 29 chỉ rõ, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực, hài hòa đức, trí, thể mỹ, phát triển tốt nhất năng lực, phẩm chất của học sinh.
Tuy nhiên thực tế vẫn còn có nhiều thầy cô sử dụng phương pháp truyền thống “thầy nói, trò chép” – thầy cô là trung tâm. Điều này gây chán nản cho học sinh vì là tiếp thu 1 chiều. Đại biểu đề nghị: bổ sung Khoản 2, Điều 7 là lấy người học là trung tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và Nghị quyết 29.
Thứ hai, GD gặp phải thách thức những vấn đề đặt ra như: Thái độ lạnh lùng, ích kỷ, bạo lực học sinh mà chưa có cách khắc phục. Nhìn nhận căn nguyên và hành vi này thì phải chăng: một phần thuộc về hành xử thiếu trong sáng của một bộ phận giáo viên và trách nhiệm của gia đình, xã hội.
Có thể gia đình chưa quản lý chặt chẽ và những hiện tượng xảy ra hàng ngày trong xã hội, những hành động, lời nói đã làm tổn thương đến lòng tôn kính của học sinh. Ngoài ra, đó là sự phân hóa giàu nghèo đã tạo ra những hệ quả khó kiểm soát như: sự kỳ thị, bạo lực học đường…
Có nhiều phương pháp để khắc phục hạn chế trên, trong đó nền GD sẽ làm dịu đi những xung đột, hàn gắn tổn thương bằng việc công bằng, yêu thương, không phân biệt đối xử. Người thầy có vai trò quan trọng trong hàn gắn này. HS phải cảm nhận được quyền học tập, quyền được tôn trọng và không phân biệt đối xử. Các em phải được học tập trong môi trường GD an toàn, lành mạnh.
Do đó, cần bổ sung vào dự thảo Luật: Xác định trách nhiệm xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh phải là của nhà nước, ngành GD, và của mọi tổ chức, xã hội. Bổ sung Khoản 2 Điều 60, nhà giáo không chỉ đối xử công bằng mà phải có tấm lòng nhân ái với học sinh.
"Về quyền người học, cần làm rõ cơ hội học học tập là bình đẳng với mọi học sinh. Nhưng quá trình học cần làm rõ có bị phân biệt hay không. Tôi cho rằng, người học không được phân biệt đối xử. Vì vậy Đề nghị bổ sung quy định, bình đẳng người học và không phân biệt đối xử trong học tập và GD" - đại biểu Tám nói.
Thứ ba, về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu đề nghị, đối với môn khoa học tự nhiên nên có một hoặc nhiều sách giáo khoa nhưng đối với môn khoa học xã hội thì nên thống nhất chung một bộ sách trong toàn quốc.