Vào tháng 9 năm 2017, Mặt trời đã tăng hoạt trong hơn một tuần, phát ra những luồng tia Roentgen mạnh nhất thuộc lớp X (X-quang), với cường độ lên đến X 9.3.
Sự tăng hoạt bất thường như vậy của Mặt trời, vốn đang trong thời kỳ giảm hoạt động của mình, đã cho các nhà khoa học lý do để làm mới những câu chuyện kinh dị về việc Mặt trời sẽ nổi cơn “cuồng nộ” với những luồng tia X mạnh gấp hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn lần như thế trong tương lai gần.
Dĩ nhiên nhân loại sẽ không bị hủy diệt, nhưng nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng.
Đại hồng thủy năng lượng Mặt trời
Từ năm 2012, các chuyên gia khoa học của NASA và Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ đã công bố một tài liệu trong đó cảnh báo về một cơn đại hồng thủy năng lượng Mặt trời cực mạnh với những hậu quả ác mộng đối với nền văn minh công nghệ cao của chúng ta.
Trong các tài liệu tiếp theo, các nhà khoa học tiếp tục nhấn mạnh rằng thảm họa ấy sẽ xảy ra như một điều tất yếu. Chỉ là vấn đề thời gian. Vì những cơn bùng nổ cực mạnh trên Mặt trời không phải là hiện tượng siêu nhiên.
Điều đó đã từng xảy ra. Chẳng hạn, ở thế kỷ 19. Cơn bùng phát của Mặt trời vào mùa thu năm 1859 được gọi là sự kiện “Carrington” - theo tên của nhà thiên văn học người Anh Richard Carrington. Ông là người đầu tiên nhận thấy những vết đen lớn bất thường trên Mặt trời, và cuối cùng từ đó đã bùng phát những cơn bão lửa.
Các chuyên gia ước tính rằng cơn bùng phát này có cường độ ở mức X100, tức là mạnh gấp hơn 10 lần so với đợt bão Mặt trời hồi tháng 9 năm 2017.
“Sự kiện Carrington” đã làm tê liệt các thiết bị điện báo. Các thiệt bị này nẹt lửa, nhân viên điện báo bị điện giật và giấy sử dụng trong máy điện báo bị cháy. Ngày nay, nếu một sự kiện tương tự xảy ra thì nó sẽ đốt rụi lưới điện trên toàn thế giới. Chưa kể máy tính, vệ tinh truyền thông, máy ATM và điện thoại.
Trước hết, cơn cuồng nộ của Mặt trời sẽ “loại khỏi vòng chiến đấu” các trạm biến áp. Nền văn minh đỉnh cao sụp đổ, thế giới sẽ chìm vào bóng tối. Và sau đó là rơi vào hỗn loạn.
Bão Mặt trời có thể đánh sập mạng lưới điện toàn cầu |
Tạo “kén từ” bảo vệ Trái đất
Một nghiên cứu mới đây đã được công bố dưới tên Chiến lược tác động và giảm nhẹ thiên tai trong tương lai. Hai tác giả của công trình, Manasvi Lingam và Avi Loeb thuộc Trung tâm Harvard-Smithsonian cảnh báo: một cơn bão Mặt trời siêu mạnh sẽ bùng phát trong vòng 150 năm tới.
Mức thiệt hại do nó sẽ gây ra tương đương với GDP của Mỹ, nghĩa là vào khoảng 20 nghìn tỷ USD. Nếu phải chịu những tổn thất như vậy, nền văn minh nhân loại có lẽ sẽ không thể tồn tại. Vì vậy, Trái đất cần phải được bảo vệ.
Lingam và Loeb đề xuất rằng ngay từ bây giờ phải thu thập khoảng 200 tỷ USD đủ để tạo một lá chắn không gian nhằm bảo vệ Trái đất khỏi những luồng bức xạ ghê gớm tàn phá mọi thứ đến từ Mặt trời.
Tấm lá chắn sẽ là một nam châm điện - một cuộn dây khổng lồ, với nguồn năng lượng được cung cấp bởi các tấm pin Mặt trời.
Hai nhà khoa học lên kế hoạch đặt cuộn dây tạo lá chắn có khối lượng khoảng 100 ngàn tấn này tại điểm Lagrange trên quãng đường từ Mặt trời đến Trái đất. Điểm này nằm ở khoảng cách 329 nghìn km từ hành tinh của chúng ta (xấp xỉ khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng) - nơi các lực hút của Mặt trời và Trái đất cân bằng nhau.
Khi cuộn dây hoạt động sẽ tạo thành một cái kén từ khổng kồ bao bọc trái đất và ngăn chặn tất cả những loại tia độc hại, cho dù chúng mạnh đến cỡ nào cũng không thể xuyên qua kén để tiếp cận Trái đất.
“Những người bảo vệ Trái đất” kêu gọi hãy chi tiền ngay từ bây giờ, để mai đây loài người không phải “thất thểu” trở về thời kỳ đồ đá.
Quả thực, cường độ thịnh nộ của Mặt trời trong “sự kiện Carrington” hoàn toàn không phải là giới hạn cuối cùng. Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản thuộc trường Đại học Nagoya, đứng đầu là Giáo sư Fusy Miyyake, đã phát hiện trên cây bá hương cổ và cây sồi cổ thụ dấu vết của một cơn bão Mặt trời có cường độ mạnh gấp hơn 20 lần so với “sự kiện Carrington”.
Nó có thể được phân loại là X2000. Thảm họa này xảy ra vào năm 775 sau Công nguyên. Đã lâu lắm rồi, tất nhiên. Thế nhưng càng nhiều thời gian đã trôi qua kể từ sự kiện khủng khiếp đó, xác suất tái phát của nó càng cao.
Và cả sao Hỏa cũng cần lá chắn từ
Một dự án tương tự như của Lyngam và Loeb đã có ở NASA. Nhưng không phải dành cho Trái đất, mà là cho sao Hỏa. Dự án này được đề xuất bởi Jim Green, giám đốc Bộ phận các hành tinh của NASA. Mục đích cũng là tạo ra một cái kén từ để bọc hành tinh Đỏ trong đó, nhằm hoàn toàn cô lập nó với gió Mặt trời.
Bầu khí quyển sao Hỏa vốn rất dày đặc nhưng qua thời gian đã bị gió Mặt trời “bào thổi” dần dần vào vũ trụ, và hiện nay luồng gió quái ác nọ vẫn tiếp tục bào mòn bầu khí quyển ấy. Theo tính toán của Green, nếu được bảo vệ khỏi gió Mặt trời thì bầu khí quyển sao Hỏa sẽ dần hồi phục.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khẳng định, nếu sao Hỏa được che chắn gió Mặt trời bằng một lá chắn từ thì chỉ sau vài năm, nhiệt độ trên hành tinh này sẽ tăng lên. Carbon dioxide đóng băng sẽ bắt đầu bay hơi, áp suất khí quyển sẽ tăng lên, và chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm sẽ đạt được một nửa áp suất khí quyển Trái đất.
Sau đó, nước đã đóng băng hàng trăm triệu năm sẽ bắt đầu tan chảy, biến thành sông, biển và đại dương. Sao Hỏa dần dần thay đổi, để đến một ngày nào đó sẽ trở thành “Trái đất thứ hai”.
Quá trình chuyển đổi rất dài. Nhưng chắc chắn sẽ tuần tự diễn ra.