Có nhiều HSSV đang khỏe mạnh nhưng không may mắc bệnh nặng, bệnh hiếm khiến chi phí điều trị lên cả tỷ đồng. Đây là số tiền lớn với nhiều gia đình nhưng rất may Bảo hiểm y tế luôn đứng đằng sau, hỗ trợ các em và gia đình trong quá trình điều trị bệnh.
Bệnh nặng, bệnh hiếm đều có thể gặp
Mùa nào bệnh đấy, người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ luôn trong tình trạng quay cuồng tìm cách đối phó với dịch bệnh. Trong số bệnh dịch ở nước ta hiện nay, có những bệnh lành tính có thể tự khỏi nhưng cũng có bệnh gây biến chứng nặng cho người bệnh.
Điển hình như sốt xuất huyết, khi mắc có thể điều trị tại nhà nhưng với HSSV, đặc biệt là trẻ mầm non thường phải nhập viện điều trị do sức đề kháng kém.
Với đối tượng này, khi vào viện thường phải sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc, thiết bị y tế để hạn chế tối đa biến chứng về hô hấp, tim mạch. Hay như bệnh sởi, dù có mặt ở nước ta từ lâu nhưng vụ dịch năm 2014 tại Hà Nội làm trên 1.700 trẻ mắc, trong đó 14 trẻ tử vong.
Phần lớn trẻ tử vong do biến chứng của sởi như viêm thanh quản, phế quản và nặng hơn là phổi, viêm não - màng não - tủy cấp… Một số khác may mắn được cứu sống nhưng để lại di chứng về thể chất, tinh thần.
Trong số những biến chứng do sởi để lại, viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa hay gặp ở tuổi 2 - 20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm, cho thấy virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường.
Tuy là bệnh thông thường, có thể gặp quanh năm nhưng đôi khi dẫn đến tình trạng nặng khiến bệnh nhân phải nằm viện dài ngày, điều trị tích cực.
Lúc này, bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến trên với đầy đủ trang thiết bị đáp ứng khả năng điều trị. Nếu không có Bảo hiểm y tế, chắc chắn nhiều gia đình không có đủ điều kiện để chi trả dịch vụ y tế.
Bệnh nhẹ đã vậy, trẻ không may mắc bệnh nặng, Bảo hiểm y tế mới thực sự như chiếc phao cứu sinh giúp người bệnh có cơ hội điều trị, gánh phần lớn kinh phí cho gia đình.
Ngoài các bệnh tim mạch, máu, ung thư đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài, chi phí lớn, không ít em bị ngộ độc thực phẩm (bánh dân tộc, nấm hay bị rắn độc cắn) phải nhập viện điều trị. Phần lớn trường hợp này phải lọc máu, dùng thuốc thải độc hoặc huyết thanh rất tốn kém do phải thực hiện ở bệnh viện tuyến cuối.
Chi trả phần lớn tiền chữa bệnh cho HSSV
Tính chung trong cả nước, chi phí cho đối tượng HSSV thuộc 5 tỉnh/thành phố cao nhất là TPHCM với số lượt khám chữa bệnh là 785.000 lượt và số tiền chi là hơn 400 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội là 450.930 lượt khám chữa bệnh và số tiền chi là 377,99 tỷ đồng. Riêng nhóm bệnh lý các loại tai nạn có tổng số 318.947 lượt khám chữa bệnh với tổng chi phí 222,5 tỷ đồng.
Trong số HSSV được quỹ Bảo hiểm chi trả, có nhiều em mắc bệnh nặng, thời gian điều trị lâu dài hoặc phải dùng kỹ thuật cao. Đó là bệnh nhân T.N.M.C sinh năm 2000, HS Trường THPT Phan Đình Phùng (Quảng Bình) bị tai nạn điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 224.631.869 đồng.
Còn rất nhiều bệnh nhân là HSSV không may bị bệnh được Bảo hiểm y tế chi trả lên tới hàng trăm triệu đồng. Em N.T.K.O, HS Trường THCS Sơn Thủy (Phú Thọ) bị bệnh van động mạch phổi, điều trị tại các bệnh viện và chi phí lên tới 741.788.341 đồng.
Hay trường hợp của em T.H.L học sinh Trường Phổ thông liên cấp Vinschool bị bệnh nhiễm trùng huyết thể không xác định điều trị tại Bện viện Nhi trung ương, chi phí Bảo hiểm thanh toán là 634.303.400 đồng. Hay em N.M.T ở Đồng Tháp, bị bệnh bạch cầu tủy dòng cấp điều trị ở nhiều bệnh viện từ tuyến tỉnh đến Trung ương được Bảo hiểm chi trả hơn 500 triệu đồng.
Có bệnh mới phải vào viện. Khi bước chân vào đây, nhiều người mới giật mình bởi quá nhiều chi phí phải bỏ ra. Bệnh thì phải chữa, rất may, trong lúc bối rối nhất, Bảo hiểm y tế đã đồng hành với các em và gia đình. Số tiền được thanh toán tuy khác nhau nhưng đều chung một ý nghĩa giúp các em và gia đình yên tâm điều trị để sớm hồi phục sức khỏe, trở về với trường lớp, bạn bè, thầy cô.