Bão HaiYan suy yếu dần và đi sang Trung Quốc

Bão HaiYan suy yếu dần và đi sang Trung Quốc
Dự báo hướng đi của bão Haiyan sáng 11/11. Ảnh: NCHMF
Dự báo hướng đi của bão Haiyan sáng 11/11. Ảnh: NCHMF
 

Lúc 9h sáng nay (11/11), sau khi hoành hành ở Quảng Ninh khiến nhiều ngôi nhà tốc mái, bão HaiYan với sức gió mạnh nhất còn khoảng 62-74 km một giờ (cấp 8) đã di chuyển tới khu vực biên giới Việt - Trung và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, sáng sớm nay, tâm bão đã đi vào các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh. Đến 9h, tâm bão nằm trên khu vực biên giới Việt - Trung, sức gió mạnh nhất trong khoảng 62-74 km một giờ. Trong 24 giờ tới, bão đi sâu vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Các tỉnh ven biển Bắc Bộ hiện có gió giật cấp 9 - 11, Bãi Cháy, đảo Cô Tô (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) giật cấp 13. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ mưa to, Quảng Hà (Quảng Ninh) mưa 161mm; Bạch Long Vĩ 149mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 370mm, Đình Lập (Lạng Sơn) 291mm... Khu vực ven biển và các đảo từ Ninh Bình - Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5 - 4,5 mét, sóng biển cao 2 - 4 mét.

Trước đó, khi đổ vào đất liền lúc 2h30 sáng nay, bão Haiyan trở thành cơn bão mạnh nhất từng ghi nhận ở Quảng Ninh. Suốt một đêm quần thảo dữ dội, tới sáng 11/11, mưa tại Quảng Ninh đã tạnh, chỉ còn gió cấp 5, 6. Theo báo Quảng Ninh, tính đến 8 giờ sáng nay, chưa có ghi nhận thiệt hại về người trong bão Haiyan.

Tại Quảng Ninh, chị Phan Thị Thu Hương ở Tiên Yên sáng nay cho biết, chưa bao giờ thấy gió giật mạnh và mưa to như đêm qua. Gió xoáy mạnh khủng khiếp khiến nhà chị tung hết mái, mưa giột khắp nhà. "Cả nhà đứng ngồi không yên, lo lắng và sợ hãi. Cầu mong sao cơn bão qua nhanh để con tôi có giấc ngủ ngon", chị nói.

Anh Đỗ Thành Nam ở Thành phố Hạ Long cho biết, hiện mưa đã tạnh song gió giật liên hồi. Từng đợt sóng nối đuôi nhau vỗ mạnh vào bờ, cao khoảng 3m. Trong điều kiện này, cầu Bãi Cháy đã được mở lại để các phương tiện lưu thông.

Suốt nhiều giờ qua, mưa lớn và gió giật hoành hành trên nhiều địa bàn của tỉnh. Tính đến 4h30 sáng nay, thống kê của văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ghi nhận một số thiệt hại ban đầu về tài sản, và chưa có thiệt hại nào về người. Tại thành phố Hạ Long, rạng sáng nay cây cối gãy đổ hàng loạt, 12 nhà dân bị tốc mái, đường sụt lún, hệ thống thông tin liên lạc gián đoạn.

Trước đó tại Bãi Cháy, Hạ Long, nơi xác định tâm của cơn bão khi đổ bộ đất liền đang có gió mạnh cấp 11 khiến cây gẫy và đổ nhiều. Điện lực tỉnh đã cắt điện khu vực rộng gồm toàn bộ thành phố Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả. Tỉnh đã cấm các phương tiện đi lại trên khu vực cầu Bãi Cháy, đồng thời phân luồng đảm bảo trật tự vì có rất nhiều xe đang đậu kéo dài chờ lệnh để vượt cầu.

Lúc 3h30 sáng 11/11, Ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cho biết, hiện bão rất lớn ở Bãi Cháy và Cô Tô với sức gió giật cấp 13, Vân Đồn gió giật cấp 12, lượng mưa dưới 100 mm. Hiện bão Haiyan đã đổ vào Quảng Ninh được khoảng hơn một tiếng.

Ông Hòa cho biết chưa xác nhận thiệt hại về người. "Đây là cơn bão mạnh chưa từng có trong nhiều năm qua, vì thế nhiều tàu thuyền bị đứt neo. Lực lượng chức năng chủ yếu liên hệ với ngư dân qua số điện thoại của họ để hướng dẫn họ chèo chống, trước khi chờ lực lượng cứu hộ ra", ông nói.

Tại Hải Phòng, sau một đêm thức trắng chống chọi với bão, hiện mưa đã ngớt, gió cũng bớt giật. Đại tá Nguyễn Văn Nam, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Hải Phòng cho biết, các địa bàn trọng điểm như Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Cát Hải chưa có thiệt hại nào về người. Lúc 8h sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có cuộc họp với UBND TP Hải Phòng để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và những giải pháp ứng phó với hoàn lưu sau bão.

Khu vực nội thành Hải Phòng, nhiều cây xanh bị đổ gãy, biển quảng cáo bị bay. Lực lượng quản lý đô thị tại đây đã kịp thời thu gom không gây mất an toàn giao thông. Công nhân trạm bơm cũng được điều động túc trực suốt đêm để tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng. Các khu nhà tập thể xuống cấp cũng được các lực lượng phòng chống bão chằng chống, chống sập. Người dân tại đây được sơ tán đến nơi an toàn.

Trung tâm thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải vẫn mất điện trên diện rộng. 3 ngư dân bị mắc cạn ở khu vực Gò Đông quận Hải An vẫn giữ liên lạc với đất liền và trong ngày hôm nay bộ đội biên phòng sẽ đưa ngư dân vào bờ.

Ông Đào Minh Đông, phó chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vỹ cho biết, sáng nay gió liên tục giật mạnh cấp 13. " Đêm qua là đêm mất ngủ đối với quân dân ở đảo. Sóng to, gió lớn liên tục nhưng may mắn chưa có người thiệt mạng. Hiện gió vẫn mạnh", ông Đông cho biết.

Tại Hà Nội, hiện trời vẫn tiếp tục mưa có gió mạnh nên xuất hiện hiện tượng gãy cành, đổ cây. Các công ty thoát nước đang tích cực làm việc để chống ngập úng. Tại một số tuyến phố cây đổ chắn ngang đường, tuy nhiên lực lượng CSGT đã được huy động nhằm hạn chế việc ách tắc. Mực nước sông Hồng và sông Nhuệ đang dâng cao cộng với lượng mưa được cảnh báo sẽ lên tới 200 mm khiến khoảng 20 điểm của thành phố có khả năng ngập úng cục bộ.

Tại Nam Định, sáng nay mưa đã ngớt và gió giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết khi triều cường lên cộng với cấp độ gió sẽ đánh mạnh vào hệ thống đê, kè, ảnh hưởng nhiều đến nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và nông nghiệp của địa phương. Thiệt hại ban đầu là toàn bộ bãi ngao ở phía ngoài đê gần như sẽ mất trắng vì toàn bộ cọc tiêu và rào lưới đã bị cuốn trôi. Một mối lo khác là nếu lượng mưa lớn theo dự kiến lên 200 ml cộng gió mạnh sẽ gây ngọt hóa cho các đàm nuôi tôm dọc bờ biển. Nếu nước biển xâm mặn vào gây thiệt hại rất nặng cho rau mùa vụ đông.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ