Chiều 1/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Giải pháp bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục phù hợp với số trẻ và số học sinh đến trường giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2035”.
Đây là đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, do Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện; GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh là chủ nhiệm đề tài.
Báo cáo tổng kết đề tài, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: Bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục dựa trên các luận cứ, các cơ sở khoa học là vô cùng quan trọng. Một trong những thao tác cần thực hiện là dự báo số trẻ, số học sinh đến trường.
Yêu cầu này không chỉ thực hiện với trẻ mầm non mà các độ tuổi của học sinh đều cần có sự báo thường xuyên và chủ động hơn. Kết quả dự báo này là cơ sở quan trọng và là đòi hỏi từ thực tiễn để định hướng nhân lực, đề xuất các chính sách phát triển đội ngũ giáo viên phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, đây cũng là cơ sở quan trọng để các trường sư phạm định hướng chỉ tiêu đào tạo, làm cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT quy hoạch trường lớp, giáo viên cũng như thực hiện các thao tác có liên quan: đề xuất nhân sự, phát triển hệ thống trường lớp, phát triển ngành học, mô hình ngành nghề cũng như quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm….
Không những thế, kết quả dự báo số trẻ, số học sinh đến trường là căn cứ để xác lập các điều kiện phát triển giáo dục khác như: đầu tư có trọng điểm, phát triển giáo dục bền vững,... Nói khác đi, các giải pháp để bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục phù hợp với số trẻ, số học sinh đến trường giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2035 là yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa chiến lược.
Những đóng góp về lí luận, thực tiễn của đề tài được GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ gồm: Kết quả dự báo số trẻ, số học sinh đến trường các cấp (phổ thông) giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2035;
Trang thông tin điện tử dự báo số trẻ, số học sinh đến trường các cấp (phổ thông) giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2035;
Mô thức dự báo số trẻ mầm non đến trường dựa trên công thức dự báo chuỗi với số liệu trẻ em mầm non đến trường thực tiễn 10 năm;
Báo cáo phân tích, đánh giá thực trạng và các ảnh hưởng của việc gia tăng dân số trong độ tuổi đến trường (tăng tự nhiên, tăng cơ học, ...) đến đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện nay;
Báo cáo đánh giá tác động của việc gia tăng dân số trong độ tuổi đến trường tới các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất...) giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2035;
Báo cáo đề xuất hệ thống các giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông đảm bảo chất lượng giáo dục và phù hợp với số trẻ mầm non và số học sinh phổ thông đến trường giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2035.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của nhóm thực hiện đề tài trong thời gian qua; đồng thời chúc mừng khi đề tài đã được cả 9 thành viên thống nhất xếp loại đạt và được nghiệm thu cấp Nhà nước. Cùng với đó, Thứ trưởng cũng đưa ra một số nội dung nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa, khắc phục để đề tài có đóng góp thực sự tích cực cho ngành Giáo dục.