GS.TS Phạm Tất Dong - Trưởng tiểu ban GDTX và HTSĐ (Hội đồng QGGD và PTNL) chủ trì cuộc họp. Tham dự có lãnh đạo Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT); thành viên tiểu ban GDTX và HTSĐ; Thành viên tổ tư vấn của UBQG đổi mới giáo dục và đào tạo; Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục; chuyên gia giáo dục; đại diện Phòng GDTX các Sở GD&ĐT; các trường ĐH…
Trong tham luận của mình, GS.TS Phạm Tất Dong đã chỉ ra một số yêu cầu với hệ thống GDTX trước bối cảnh phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trước hết, đó là chính sách phát triển GDTX, việc đầu tư nhỏ giọt cho lĩnh vực này sẽ làm cho chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao bị cản trở.
Mặt khác, GDTX cần nhận thức vai trò của mình trong việc vận động người dân học tập suốt đời thành một phong trào rộng lớn của quần chúng. Quốc gia không xây dựng XHHT, người dân không học tập thường xuyên thì không có hy vọng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại và tụt hậu là điều không tránh khỏi.
Thông qua GDTX, xây dựng cho con người văn hóa học tập. Con người không quan tâm đến học tập, không biết dựa vào học tập để vươn tới một đời sống cá nhân tốt đẹp hơn, một xã hội ngày càng văn minh hơn thì quốc gia rơi vào bi kịch.
Đặc biệt, trong những năm tới, GDTX phải trở thành lực lượng chủ công trong sự nghiệp xây dựng mô hình công dân số trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Công dân số là sự thể hiện những năng lực của công dân học tập trong xã hội số.
GS.TS Phạm Tất Dong nhận định, những yêu cầu thay đổi đối với hệ thống GDTX là thử thách lớn nhất đối với GDTX trong thập niên thứ 3 của Thế kỷ XXI.
Các đại biểu đều chung quan điềm: Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ, gây tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó tác động không nhỏ trong lĩnh vực giáo dục. Đối với phát triển GDTX trong CMCN 4.0 là yếu tố không thể tách rời khi GDTX phát triển gắn với việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Vì vậy, để đổi mới GDTX theo hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Lê Xuân Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) khẳng định cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Đó là XHH GDTX để tạo động lực khai thác, cung ứng các chương trình, phương thức giáo dục chất lượng cao; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý phương thức đào tạo, bồi dưỡng chương trình giáo dục thường xuyên theo hình thức online, trực tuyến;
Xây dựng hệ sinh thái Tài nguyên giáo dục Mở cùng với đó là hình thành khung pháp lý về cung ứng, chia sẻ nguồn Tài nguyên giáo dục Mở; Xây dựng cơ chế công nhận kết quả học tập không chính quy, phi chính quy theo các phương thức giáo dục thường xuyên hỗ trợ người học lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về học tập suốt đời và hỗ trợ xây dựng các mô hình học tập.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thường xuyên trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0
Cùng với xu thế ứng dụng mạnh mẽ nền tảng công nghệ thì vấn đề nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong lĩnh vực GDTX cũng được Phó vụ trưởng Vụ GDTX đánh giá là khâu then chốt rất cần được triển khai quyết liệt. Như vậy, cần ưu tiên việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên chuyên nghiệp làm việc trong lĩnh vực GDTX. Điều này không những cần chuẩn hóa đội ngũ mà trong bối cảnh GDTX gắn với xây dựng XHHT cần đội ngũ làm GDTX chuyên nghiệp.
Điều này dẫn đến định hướng, vai trò đào tạo tại các trường sư phạm, Trung tâm HTSĐ trong khu vực (SEMMEO CLLL) có ngành đào tạo chuyên sâu cho nhân lực làm việc trong GDTX, HTSĐ. Cùng với đó chú trọng quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cơ sở GDTX đối với cán bộ quản lý, giáo viên GDTX hàng năm.
Hội đồng đã nhận được những ý kiến đóng góp xung quanh vấn đề: Tạo điều kiện về CNTT trong học tập; Nâng cao động lực cho người dân trong học tập; Tài liệu học tập mở trong CMCN 4.0; Hiệu quả của việc học tập qua hệ thống công nghệ thông tin; Khuyến khích người dân ủng hộ giáo dục trực tuyến; GDTX tiếp cận với công nghệ; Người dân ứng dụng CNTT vào học tập một cách hiệu quả khi có đầy đủ thiết bị CNTT; Tăng cường nhận thức của mọi người về GDTX và HTSĐ; Cơ chế chính sách để toàn xã hội chung tay thực hiện GDTX; Tạo thuận lợi trong việc khai thác tài liệu mở trong GDTX; Nguồn chi hợp pháp hóa và hợp thức hóa cho GDTX…
Kết luận phiên họp, GS.TS Phạm Tất Dong - Trưởng tiểu ban GDTX và HTSĐ một lần nữa khẳng định vai trò của GDTX và cần thay đổi tư duy về GDTX trong cách mạng công nghệ 4.0.
Và để trở thành công dân sống trong xã hội số thì điều kiện cơ bản là học suốt đời, phải có học liệu, tài nguyên giáo dục mở để học tập. Quan trọng nhất công dân số cần có năng lực sử dụng CNTT trong quá trình học tập và cuộc sống…
GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho biết, sắp tới Tiểu ban GDTX và HTSĐ (Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực) sẽ tổ chức hội thảo về những năng lực cốt lõi của công dân học tập đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số Quốc gia.