GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Điều kiện phát triển giáo dục cần bài bản, đồng bộ

GD&TĐ - Muốn phát triển giáo dục cần quan tâm nhiều đến các điều kiện cần và đủ. Từ góc nhìn nghiên cứu giải pháp bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục phù hợp với số trẻ và số học sinh đến trường, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh những vấn đề này.

Học sinh lớp 1 khai giảng năm học mới tại điểm Trường Huồi Mới (Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Quế Phong, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài
Học sinh lớp 1 khai giảng năm học mới tại điểm Trường Huồi Mới (Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Quế Phong, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

- GS đánh giá thế nào về việc bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục ở nước ta?

- Để đánh giá chung về việc bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục ở nước ta hiện nay, có thể quan tâm đến các vấn đề cơ bản như việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, điều kiện về cơ sở vật chất trường - lớp; chương trình học sách giáo khoa và một số yếu tố khác có liên quan. 

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong hai năm gần đây, các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT rất cụ thể, sát sườn và kịp thời. Quyết sách về vấn đề chuẩn bị sách giáo khoa, bảo đảm không thiếu sách, định hướng kiểm tra về việc chuẩn bị trường học và lớp học cho học sinh lớp 1 của lãnh đạo Bộ cho thấy vấn đề này rất được quan tâm, tổ chức bài bản.

GS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: C.Chương
GS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: C.Chương

- Trên bình diện nghiên cứu, đâu là những khó khăn và thuận lợi của việc bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục ở địa phương hiện nay?

- 3 năm qua, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đặt hàng từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các dữ liệu về dự báo số trẻ, học sinh đến trường đã được lãnh đạo Bộ GD&ĐT khai thác, sử dụng. 

Cụ thể dự báo số trẻ, học sinh đến trường có thể cho biết số trẻ, số học sinh từng cấp, lớp. Hơn thế nữa, việc tăng giảm số trẻ, học sinh theo từng tỉnh thành, nhóm tỉnh thành - khu vực và các diễn tiến khác mang tính dự báo đều có thể trực quan hóa. 

Trong việc bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục ở địa phương dựa trên kết quả dự báo số trẻ, học sinh đến trường, có thể thấy thuận lợi do tuân thủ định hướng quản lý hệ thống, có tầm nhìn được 81,5% lựa chọn; thuận lợi do điều kiện về tài chính và sự đầu tư phù hợp với 78,5%; thuận lợi do nhận thức của các cấp lãnh đạo được đánh giá hiệu quả với 72,8%. 

Tài chính, điều kiện kinh tế, sự đầu tư dàn trải, thiếu những định hướng trong chuẩn bị, kết nối dữ liệu từ các bên liên quan đang là những khó khăn/nguyên nhân ảnh hưởng đến việc bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục ở địa phương dựa trên kết quả dự báo số trẻ, học sinh đến trường. 

Đáng chú ý là việc “Kiểm tra, đánh giá kế hoạch đáp ứng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, chuyên viên đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong định hướng phát triển giáo dục” được xếp hạng cao nhất trong những việc làm cụ thể liên quan đến việc đáp ứng điều kiện nhân lực trong phát triển giáo dục ở nước ta hiện nay. Như thế, có thể thấy các địa phương đã vào cuộc và được đánh giá khá tốt. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng chưa đều tay, công khai các kết quả chuẩn bị ở một vài địa phương để giám sát... Điều này được minh chứng thông qua việc thiếu chỗ học cục bộ ở một số địa phương; mạng lưới cơ sở vật chất không đi liền với dự báo gia tăng dân số và di cư khiến sĩ số lớp học tăng, số lớp được học 2 buổi/ngày giảm...

Phụ huynh đưa trẻ đến trường. Ảnh: Hồ Lài
Phụ huynh đưa trẻ đến trường. Ảnh: Hồ Lài

- GS đánh giá thế nào qua kế hoạch, hoạt động cụ thể ở địa phương trong việc chuẩn bị điều kiện đón trẻ đến trường?

- Năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông lớp 1, các tỉnh thành đã xem xét dữ liệu số trẻ đến trường ngay từ năm trước liền kề, đặt ra các nhiệm vụ năm. Một số nơi đã thể chế hóa vấn đề này vào nghị quyết hay chỉ tiêu, nhưng cũng có một số tỉnh thành chưa quan tâm. Đây không phải chỉ là vấn đề ngân sách mà là cơ sở khoa học của chiến lược.

Để bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục ở địa phương cũng như cả nước, cần quan tâm đến các giải pháp như: Truyền thông về điều kiện phát triển giáo dục phù hợp với số trẻ, học sinh đến trường; Mô hình quản lý và thực hiện các yêu cầu có liên quan đến dữ liệu dự báo số trẻ và học sinh đến trường; Quản lý Nhà nước phát triển giáo dục ngoài công lập phù hợp; Tăng cường năng lực các trường sư phạm theo hướng bảo đảm đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với số trẻ và học sinh đến trường; Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục công lập.

Nói vậy để thấy muốn giáo dục địa phương phát triển, trẻ đến tuổi được đi học, trách nhiệm thuộc người lớn. Nghĩa là ở từng vị trí, vai trò nhất định, cần nhận có hành động cụ thể để bảo đảm các vấn đề có liên quan đến sự phát triển của giáo dục được thực thi đồng bộ và hiệu quả.

- Xin cám ơn GS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ