Ngày 26/5/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư 13).
Sau 4 năm triển khai, nhiều địa phương đã ban hành danh mục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp; cải tạo, sửa chữa kịp thời các trường, điểm trường; bổ sung trang bị thiết bị dạy học phù hợp theo quy định của Thông tư 13. Các công trình đầu tư xây mới, sửa chữa từ sau năm 2020 được rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo Thông tư này, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học theo Chương trình GDPT 2018 và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Thông tư 13 cũng xuất hiện những khó khăn, bất cập; một trong số đó là quy định về diện tích đất. Nhiều ý kiến cho rằng, tại khu vực trung tâm các khu đô thị, quy định diện tích đất bình quân tối thiểu trên học sinh là 10m2 (với mầm non), 8m2 (với tiểu học, THCS) là cao. Đây là một trong những lý do khiến nhiều trường học trong khu đô thị, thành phố lớn khó đạt chuẩn quốc gia.
Cuối năm 2023, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về nội dung này. Báo cáo cho biết, áp dụng Thông tư 13 vào thực tiễn gặp khó khăn, bất cập; đặc biệt trong thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình trường học, bởi lẽ quỹ đất giáo dục một số khu vực hạn hẹp.
Tại phiên họp giải trình về công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, phổ thông do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức tháng 10/2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương thừa nhận, một trong những khó khăn lớn nhất của Hà Nội để đạt 80 - 85% trường đạt chuẩn vào năm 2025 là tiêu chí về cơ sở vật chất.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường mầm non ngoại thành phải đạt diện tích đất 12 m2/trẻ, nội thành 10 m2/trẻ; con số này với học sinh tiểu học, THCS lần lượt là 10 và 8m2; THPT bình quân 10 m2/học sinh. Tính đến tháng 10/2023, Hà Nội chỉ có hơn 1.600/2.240 trường học đạt chuẩn, tương đương 73%. “Các quận lõi thì không tìm đâu ra đất”, ông Trần Thế Cương trăn trở.
Giải quyết vướng mắc này, Bộ GD&ĐT đã tiến hành sửa đổi Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT. Dự thảo Thông tư sửa đổi được đăng công khai, xin ý kiến góp ý rộng rãi. Quy định về định mức diện tích đất là nội dung được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, điều chỉnh giảm định mức đất tại một số khu vực đô thị. Cụ thể: Các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền), cho phép bình quân tối thiểu 8m2 một trẻ em (với trường mầm non). Con số này với trường tiểu học, THCS, THPT là 6m2.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng sửa đổi về quy mô trường (tăng quy mô số lớp cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THPT, trường nhiều cấp học); quy định số lượng các phòng chức năng, phòng học bộ môn bảo đảm việc thực hiện chương trình giáo dục, tăng tính đa dụng, tạo chủ động các cơ sở giáo dục bố trí sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng…
Bộ GD&ĐT điều chỉnh giảm, nhưng những con số trên vẫn bảo đảm quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch, xây dựng. Cần nói rằng, với trường học, ngoài diện tích để xây dựng hạng mục công trình phục vụ hoạt động dạy - học, vẫn cần có không gian, diện tích đất cho các hoạt động khác như: Sân trường, sân chơi, thể dục thể thao, cây xanh, đường giao thông…
Bảo đảm yêu cầu về diện tích đất cho trường học do đó rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh triển khai đổi mới giáo dục. Để có không gian học tập tốt, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương là yếu tố quyết định. Trong đó việc định hướng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia phù hợp chiến lược phát triển và điều kiện kinh tế; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học; đảm bảo quỹ đất cho các cơ sở giáo dục…