Nỗ lực giải quyết áp lực trường lớp trong khu công nghiệp

GD&TĐ - Những năm qua, vấn đề thiếu phòng học trở thành mối lo, áp lực cho các địa phương vùng Đông thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) khi số lượng học sinh các cấp liên tục tăng mạnh. 

Thiếu phòng học, nhiều trường buộc phải tăng số lượng học sinh/lớp học
Thiếu phòng học, nhiều trường buộc phải tăng số lượng học sinh/lớp học

Nhằm giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng thêm phòng lớp học. Chung sức với địa phương, các tổ chức, đơn vị đã tích cực tham gia xã hội hóa giáo dục đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình trường học. Tuy nhiên, nỗi lo áp lực trường lớp tại các địa phương khu vực này sẽ còn rất lớn.

Nỗi lo thiếu trường, thiếu lớp

Hiện nay khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có quy mô khá lớn, thu hút khoảng 50.000 lao động. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp tập trung tại địa bàn 2 phường Điện Nam Bắc và Điện Ngọc. Trước sức ép tăng dân số cơ học cùng với tỷ lệ sinh tự nhiên tăng mạnh, khiến 2 địa phương này đang phải đối mặt nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, đặc biết là vấn đề quá tải trường lớp trong nhiều năm qua. 

Là một trong những trường học chịu áp lực thiếu phòng học lớn nhất địa bàn trong những năm qua, năm học 2018-2019, Trường THCS Lê Hồng Phong (phường Điện Ngọc) tiếp tục chịu tình trạng thiếu phòng khi số lượng học sinh tiếp tục tăng mạnh.

Cô giáo Phạm Thị Diệu - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, cho biết: Năm học 2018 - 2019 sẽ có tổng số học sinh 1.050 em, đồng nghĩa số lớp cũng tăng từ 30 lên 32. Theo quy định sĩ số học sinh mỗi lớp là 35 em nhưng hiện đã lên 37, thậm chí có lớp 40, 42 em nên tạo áp lực khá lớn lên hạ tầng trường lớp và giảng dạy, nhất là thiếu hụt phòng ốc. Hiện, toàn trường có 27 phòng học, nhưng năm tới là 32 lớp, thiếu 5 lớp.

Theo ông Trần Duy Nghĩa – Bí thư Đảng ủy phường Điện Ngọc, trong năm học này, vấn đề phòng lớp học cho khối THCS và bậc mầm non xem như tạm ổn, vì thời gian qua, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư xây bổ sung thêm hệ thống phòng lớp học mới; chủ trương xã hội hóa giáo dục ở bậc học mầm non cũng được thực hiện một cách mạnh mẽ. Nỗi lo thiếu phòng học lớn nhất bây giờ là khối tiểu học. Số lượng phòng học đầu tư xây dựng thêm cho các trường không kịp so với tốc độ gia tăng học sinh.

Theo dự tính thì trong năm nay và năm học tới, mỗi trường tiểu học cần xây ít nhất 6 phòng mới đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em học sinh.

Vấn đề khó khăn nhất của địa phương trong việc đầu tư xây dựng trường lớp bây giờ chưa hẳn là đất đai, mà còn là kinh phí xây dựng. Ví dụ như Trường Tiểu học Lê Hồng Phong hiện có hai cơ sở, trong đó cơ sở 2 quỹ đất vẫn còn trên 10.000m2, nếu có tiền sẽ làm tại cơ sở 2 và dời ban giám hiệu về dưới đó, kinh phí xây dựng một phòng khoảng 650 triệu đồng.

Với nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu phòng lớp học cho con em học sinh trên địa bàn, năm 2018, phường Điện Nam Bắc cũng đưa vào sử dụng 4 phòng học mới, tuy vậy, hiện nay khối tiểu học vẫn đang thiếu phòng lớp học.

Cần có giải pháp toàn diện

Để giải quyết vấn đề thiếu phòng học, các trường sử dụng phòng chức năng làm phòng học
 Để giải quyết vấn đề thiếu phòng học, các trường sử dụng phòng chức năng làm phòng học

Ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn cho biết:  Đến nay, mạng lưới trường, lớp phát triển mạnh, với 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 22 trường đạt chuẩn mức 2, nằm trong tốp dẫn đầu tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng nhất của ngành GD-ĐT thị xã Điện Bàn hiện nay là nguy cơ có nhiều trường học sẽ rớt chuẩn quốc gia, nhất là các trường tại vùng Đông khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, trong vòng 4 năm nay, nguồn lực giáo dục của thị xã Điện Bàn hầu hết tập trung cho khu vực vùng Đông: Các phường Điện Nam Bắc, Điện Ngọc, nhưng với mức gia tăng cơ học quá nhanh như thời gian qua thì việc đầu tư của thị xã cũng không kịp.

Để giải quyết vấn đề thiếu trường lớp ở các địa phương thuộc khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, về lâu dài tỉnh Quảng Nam phải bố trí ngân sách để đầu tư xây thêm phòng cho các trường học. Với hơn 55.000 công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp thuộc khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm chung tay giải quyết vấn đề thiếu trường, thiếu lớp học.

Ông Hà cho hay: Hiện nay, quỹ đất các địa phương vùng đông dường như đã hết, ngoài một số trường còn quỹ đất thì hầu hết không đủ diện tích để xây thêm. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp cũng là vấn đề rất khó. Chính quyền địa phương gặp không ít vướng mắc trong việc sắp xếp các cơ sở, không thể mở ra thêm cơ sở trường học nữa, và cũng không thể nâng tầng lên vì trường tiểu học không vượt trên 3 tầng, gây khó khăn trong quản lý và đảm bảo an toàn cho các em.

“Để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho các trường học tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc một cách căn cơ, thị xã Điện Bàn đã xây dựng Đề án phát triển giáo dục vùng Đông gửi cho tỉnh Quảng Nam, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy các sở ngành của tỉnh có ý kiến gì. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với tỉnh Quảng Nam đầu tư thêm vì áp lực vùng đông rất lớn, nhất là áp lực thiếu phòng học. Việc đầu tư cho giáo dục ở khu vực này phải được đầu tư đồng bộ một lần, chứ không thể chạy theo sau mãi như hiện nay” - ông Nguyễn Xuân Hà cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.